Dựa trên dự báo của Gartner, quy mô thị trường bán dẫn Việt Nam vào cuối năm 2024 sẽ đạt khoảng 6,16 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đình đám trong ngành đã “chọn mặt gửi vàng” Việt Nam làm nơi đầu tư, xây dựng những nhà máy tỷ USD, chẳng hạn như Intel, Samsung, Qualcomm, Infineon…
Đáng chú ý, vào tháng 10/2023, “ông lớn” bán dẫn Amkor đã khánh thành nhà máy tại khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh). Với diện tích lên tới 230.000m2 và tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất của hãng tính tới thời điểm hiện tại. Tại đây, nhà máy sẽ sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, cung cấp cho các công ty lớn như Apple, Nvidia, Foxconn…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam Ramachandran A.S. (RamC), việc các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam xuất phát từ môi trường đầu tư có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới nhưng chưa được khai thác.
Dẫn tin từ báo Đầu tư, trước “làn sóng” bán dẫn tại Việt Nam, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê công nghiệp Savills cho biết, lượng tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp đang tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại cũng đặt ra những yêu cầu cơ bản đối với loại hình bất động sản này.
Theo vị chuyên gia, khu vực kinh tế phía Bắc được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm nóng của bất động sản công nghiệp, đặc biệt là đối với ngành bán dẫn. Nhận định này được đưa ra dựa trên đặc tính phát triển khu công nghiệp của từng địa phương.
“Khách thuê bất động sản công nghiệp tại các tỉnh phía Nam thuộc các ngành chế biến sản phẩm từ cao su, nhựa, thực phẩm, nước giải khát. Trong khi đó, tại phía Bắc, vốn đầu tư chủ yếu từ doanh nghiệp trong ngành máy vi tính, điện tử hay sản phẩm điện. Do đó, khi ‘làn sóng’ đầu tư về bán dẫn phát triển, bất động sản công nghiệp phía Bắc sẽ có sức bật lớn hơn”, ông Thomas chia sẻ.