Các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao với việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%

(CL&CS) - Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), có nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, cần nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở cũng như khẳng định, việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là cần thiết.

Thảo luận về việc đóng phí công đoàn, các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao với việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% vì nhiều lý do. Các ý kiến cho rằng, từ nhiều thập niên qua, kinh phí công đoàn được thực hiện chủ yếu ở các nước khối xã hội chủ nghĩa.

Toàn cảnh phiên họp

Việc luật hóa và duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% thể hiện sự ưu việt của chế độ chủ nghĩa xã hội. Kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở là chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho biết, hệ thống tổ chức Công đoàn gồm 4 cấp. Cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cấp tỉnh, ngành trung ương là Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công đoàn ngành trung ương và tương đương.

Cấp trên trực tiếp cơ sở là liên đoàn lao động cấp huyện, công đoàn ngành địa phương, công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, công đoàn tổng công ty, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác. Cấp cơ sở là công đoàn cơ sở.

Với hệ thống tổ chức công đoàn nêu trên, việc phân chia tỷ lệ nguồn thu kinh phí công đoàn là cần thiết và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp Công đoàn. Về đề xuất tỷ lệ phân phối công đoàn cơ sở được sử dụng 75% từ 2% số thu kinh phí công đoàn có căn cứ từ thực tiễn thu, chi tài chính công đoàn của công đoàn Việt Nam giai đoạn 2012-2023 và hiện đang vận hành ổn định.

Mặt khác do hiện chưa có đánh giá thực tiễn sử dụng nguồn kinh phí công đoàn của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp nên đề nghị việc đề xuất tỷ lệ phân phối công đoàn cơ sở được sử dụng 75% từ số thu 2% kinh phí công đoàn thể hiện sự chủ động, công khai, minh bạch của tổ chức Công đoàn.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng tán thành với quy định tại Điều 29 dự thảo Luật: "Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động". Theo đại biểu, nguồn kinh phí công đoàn được sử dụng mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Tương tự, đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, dự luật kế thừa mức đóng kinh phí công đoàn 2% hoàn toàn hợp lý.

Về bản chất, theo đại biểu, việc quy định thu gián tiếp 2% theo quy định của Luật Công đoàn "để phục vụ chăm lo lại cho người lao động, tái sản xuất sức lao động để bù đắp hao phí sức lao động của người lao động mà doanh nghiệp chưa tính đúng, tính đủ vào tiền lương của người lao động".

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, việc kế thừa và giữ nguyên đối tượng quản lý sử dụng tài chính công đoàn, mức đóng 2% kinh phí công đoàn trong Dự thảo Luật nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động; góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ cho đoàn viên người lao động; phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

TIN LIÊN QUAN