Theo đó, hiện nay, việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với nhiều hình thức khác nhau, như: Tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.
Trước thực tế trên, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trong đó bảo đảm các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tại các trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế phải được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, được phân công, phân cấp quản lý đầy đủ, bảo đảm không để sót, không để cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm được hoạt động.
Công tác thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể cần được tăng cường, trong đó cần có sự phối hợp liên ngành, nhất là ngành Y tế - Giáo dục, phối hợp với các ban quản lý khu công nghiệp/khu chế xuất, ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các cơ sở y tế. Trong giám sát, kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm từ nguồn gốc thực phẩm, quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, giao nhận thực phẩm… Qua đó, phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị huy động sự tham gia, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, công đoàn trong khu công nghiệp/khu chế xuất, các cơ sở y tế, ban đại diện cha mẹ học sinh, đoàn thanh niên tại nhà trường, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu công nghiệp/khu chế xuất, bệnh viện, trường học.
Sở y tế các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị; xử lý, kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.