Bộ trưởng Y tế: Giá thuốc nếu không được quản lý khác nào "thả gà ra đuổi"

(CL&CS) - Vừa qua, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phiên thảo luận nhận được ý kiến của 8 đại biểu ngành y tế đề cập đến vấn đề kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử và quản lý giá thuốc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, thuốc là mặt hàng đặc biệt, cho nên quản lý giá thuốc cũng là việc rất quan trọng. Luật Dược năm 2016 đã quy định nội dung liên quan tới quản lý giá thuốc bán buôn. Năm 2023, giá thuốc cũng được quy định trong Luật Giá.

“Chúng ta đã nghe thấy có bài báo nói là tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ. Chúng ta quản lý như vậy từ 2016 mà còn tăng. Nếu không quản lý thì lúc đó là thả gà ra đuổi, cũng không thể nào quản lý được”, bà Lan nói.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá, các quy định trong Luật Dược 2016 và Luật Giá năm 2023 đã góp phần quản lý giá thuốc ở Việt Nam, giúp giá thuốc tương đối ổn định trong thời gian qua. Bà Lan dẫn chứng bằng số liệu năm 2022, giá thuốc tăng 0,4%; năm 2023 tăng 1,45% dù sau Covid-19 tất cả các loại thuốc, nguyên liệu đều tăng.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự luật theo hướng cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Nêu ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, thuốc bán online gây nguy hại cho sức khỏe hay những sản phẩm quảng cáo là thuốc mà không phải thuốc đang gây bức xúc trong xã hội. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đồng ý cho phép việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử vì hiện nay việc này đã và đang diễn ra. Người mua chỉ cần gửi hình ảnh chụp đơn thuốc chuyên khoa qua mạng xã hội cho cửa hàng, thuốc sẽ được đưa đến tận nhà mà không gặp bất cứ khó khăn gì.

Chính vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử. Cụ thể, nhà thuốc được bán online cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định, cấp phép. Việc này nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử. Đại biểu cũng cho rằng, trong luật nên có điều khoản quy định Bộ Y tế có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội; tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của quảng cáo thuốc.

Đáng chú ý, dự thảo Luật quy định về biện pháp công bố giá bán buôn thuốc. Dự luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới việc thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc. Nêu ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Phó Ban Dân nguyện) cho rằng, dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định và các doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo. Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.

Dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định tại Luật Giá. Đại biểu Hà lo ngại, mỗi địa phương thực hiện chính sách này một khác; cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn thì việc thực hiện kê khai giá sẽ khác nhau. “Cử tri mong muốn giá thuốc cũng phải được quản lý đặc thù theo các quy định của luật chuyên ngành. Tuy nhiên, các biện pháp được nêu trong dự thảo Luật Dược sửa đổi hầu hết lại quy định tuân thủ theo Luật Giá”, đại biểu Hà nói.

TIN LIÊN QUAN