Tại hội nghị đầu tiên để kiểm điểm công tác quý 1và triển khai nhiệm vụ quý 2/2021 mới đây sau khi được Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Xây dựng, tại buổi làm việc đầu tiên với ngành Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị nói về những ưu tiên chính sách của mình và cho biết Bộ Xây dựng sẽ thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà thương mại có giá phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân. Ngoài ra, Bộ sẽ hoàn chỉnh, bổ sung sửa đổi nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trình Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện.
Một trong những ưu tiên của người đứng đầu ngành Xây dựng là hạ nhiệt giá nhà. Trong 5 năm (2016-2020), cả nước đã xây dựng hơn 5,21 triệu m2, khoảng 104.000 căn hộ NƠXH, mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2). Cơ cấu sản phẩm bất động sản hiện nay cũng đang mất cân đối trong khi nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa, nhưng lại thiếu gay gắt NƠXH và nhà ở thương mại giá thấp.
Bộ Xây dựng cho rằng cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và NƠXH, nhà ở thương mại giá thấp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng NƠXH. Bên cạnh đó, các định chế tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường.
Cũng theo Bộ Xây dựng, phần lớn các doanh nghiệp địa ốc tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... giá nhà ở ngày càng tăng cao, vượt quá sự chi trả của phần lớn người dân. Phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở thương mại có giá khoảng 25 triệu đồng/m2 là phân khúc được rất nhiều người quan tâm, tuy nhiên dòng sản phẩm căn hộ này đã mất hút trên thị trường bởi phân khúc nhà ở trung cao cấp. Chẳng hạn, tại TP.HCM, giá căn hộ tại khu vực trung tâm của thành phố, kể cả khu đô thị Thủ Thiêm đã lên đến khoảng 115-162 triệu đồng/m2, tại khu vực Q.9 (cũ) khoảng trên dưới 45 triệu đồng/m2.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong năm 2020, phân khúc nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong khi đó, căn hộ cao cấp chiếm 70% lượng nhà ở. Việc thiếu nhà ở giá rẻ được HoREA đánh giá là tác động đến đảm bảo an sinh xã hội cho đa số người dân có thu nhập trung bình, thấp trong đô thị, cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư.
Nguyên nhân của việc thiếu nhà ở dành cho người thu nhập thấp là do nhiều địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển loại hình NƠXH. Đồng thời, hầu hết doanh nghiệp không phát triển loại hình nhà này vì lãi suất vay vốn cao, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, lợi nhuận thấp. Các đối tượng nghèo hoặc có thu nhập thấp cũng không thể vay vốn ngân hàng để mua nhà vì số tiền chi trả cho nhà ở quá lớn so với mức thu nhập.
Trước diễn biến của tình hình thị trường bất động sản, người đứng đầu ngành Xây dựng đề nghị Bộ không được chủ quan, phải chủ động theo dõi, bám sát, nắm chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường bất động sản và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, cần cân đối nguồn cung, minh bạch thông tin quy hoạch; tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, thủ tục hành chính… cũng như cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản ở các địa phương.