Mục tiêu cụ thể đối với lĩnh vực chất thải (quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải là bảo đảm tổng lượng phát thải khí methal đến năm 2025 không vượt quá 21,9 triệu tấn CO2 tương đương và đến năm 2030 không vượt quá 17,5 triệu tấn CO2 tương đương.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc và đề ra các nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030 bảo đảm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TN&MT triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methal đến năm 2030 bao gồm 6 nhóm nhiệm vụ và cụ thể hóa bằng 16 nhiệm vụ ưu tiên theo 2 giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030.
Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải nhằm giảm phát sinh khí methal; tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ kiểm kê, giám sát, đánh giá dự báo phát thải; thu hồi, sử dụng hiệu quả khí methal trong quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải; phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân trong việc giảm phát thải khí methal.
Đặc biệt, Bộ cùng với các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn áp dụng phương pháp kiểm kê khí methal trong lĩnh vực chất thải ở bậc cao nhất phù hợp điều kiện Việt Nam; nghiên cứu xây dựng, cập nhật và áp dụng các hệ số phát thải khí methal đặc trưng quốc gia từ bãi chôn lấp chất thải rắn, xử lý và xả thải nước thải; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; xây dựng cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; nghiên cứu việc ứng dụng và triển khai chuyển đổi số trong theo dõi và giám sát phát thải, thu hồi, sử dụng khí methal.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức. Thông qua hoạt động xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng về trách nhiệm, lợi ích của giảm phát thải khí mê-tan; thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất xanh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng đối với chất thải có thể tái chế, tái sử dụng.
Thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ giảm phát thải khí mê-tan giữa các địa phương, lĩnh vực. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa giảm thiểu phát sinh, phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường; hướng dẫn người dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh chất thải rắn, các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đang triển khai tại các địa phương; xây dựng, hoàn thiện và tối ưu hóa hệ thống quản lý chất thải rắn; cải tiến việc thu gom, vận chuyển, phân loại, tái sử dụng, tái chế, xử lý và chôn lấp chất thải rắn; hướng dẫn xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo quy định, phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn.
Bộ cũng sẽ có hướng dẫn và tổ chức thực hiện lựa chọn, áp dụng rộng rãi công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải tiên tiến, hiện đại; thực hiện kiểm tra và đánh giá hiệu quả việc hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường nhằm giảm phát thải khí methal thông qua thực hiện phát triển năng lượng sinh khối, năng lượng từ đốt chất thải, sản xuất phân bón hữu cơ, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng; hướng dẫn xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình mới giảm phát thải khí methal phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và năng lực quản lý chất thải của địa phương.