Mới đây, thông tin từ UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã có tờ trình gửi Bộ GTVT bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum và Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Măng Đen thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cách trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum 48 m về phía nam là sân bay Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh internet
Sân bay Măng Đen dự kiến có quy mô cấp 4E (có thể đón được các loại máy bay thân rộng như Boeing 787, Airbus A350), diện tích đất khoảng 350ha, công suất thiết kế từ 3-5 triệu hành khách mỗi năm, đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Sân bay dự kiến thực hiện từ năm 2023-2027.
Kon Tum sẽ tập trung nghiên cứu phương án thuê tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng với điều kiện cảng hàng không xây dựng tại khu vực núi cao, có địa hình, địa chất phức tạp.
Cảng hàng không Măng Đen là dự án động lực quan trọng, có vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Dự án sẽ kết nối tỉnh Kon Tum với các trung tâm, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cũng như phục vụ tốt công tác cứu hộ, cứu nạn.
Hạ tầng của Măng Đen có gì để phục vụ du lịch?
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Kon Tum đã định hướng quy hoạch Khu du lịch Măng Đen có cấu trúc phát triển theo hướng "Hai hành lang phát triển - Ba trung tâm - Bốn đô thị". Từ đó, phát triển Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Măng Đen đang là "điểm sáng" du lịch. Ảnh internet
Theo thống kê, số lượng khách du lịch đến Măng Đen tăng dần qua các năm. Từ năm 2016 đến ngày 31/5/2024, Khu du lịch sinh thái Măng Đen đón 3.425.220 lượt khách (tăng 410% so với mục tiêu đề ra). Trong năm 2023, đã có 1 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Dự kiến, năm 2024, địa điểm này sẽ đón 1,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đạt doanh thu 240 tỉ đồng.
Đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông có khoảng 105 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở nhiều loại hình khác nhau như: resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ (tăng 85 cơ sở so với kế hoạch). Trong đó có hơn 1.200 phòng nghỉ (đạt 240 % so với Nghị quyết đề ra cho cả giai đoạn 2016-2025), đảm bảo phục vụ cho khoảng 5.500 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày.
Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đấu nối vào Măng Đen vẫn đang còn rất "nghèo nàn", hạn chế sự phát triển du lịch. Quốc lộ 24 là con đường huyết mạch nối Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen nhưng hiện tại vẫn chưa được nâng cấp theo quy hoạch (cấp III miền núi).
Một “điểm nghẽn” nữa là hiện nay, toàn tỉnh chưa có tuyến cao tốc nào được đầu tư. Điều đó cũng là gây ảnh hưởng và kiềm chế sự phát triển kinh tế xã hội, thiếu sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Phần lớn nhu cầu vận tải hàng không của tỉnh Kon Tum chủ yếu phát sinh từ du lịch. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị đơn vị tư vấn rà soát, cập nhật số liệu vận chuyển hành khách của tỉnh, thống kê lượng khách du lịch đến Kon Tum trong những năm vừa qua để tính toán, dự báo nhu cầu vận tải hàng không; có xét đến tác động ảnh hưởng của các loại hình vận tải khác (như tuyến cao tốc Pleiku kết nối Kon Tum). Khu vực Tây Nguyên đang có 3 sân bay: Pleiku, Buôn Ma Thuột và Liên Khương.
Thị trấn Măng Đen cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 60km, ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Lãnh đạo tỉnh đánh giá thị trấn có vị trí thuận lợi, quỹ đất sạch rộng, bằng phẳng. Đây sẽ là dự án tạo động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong nhiều năm trở lại đây, Măng Đen bắt đầu trở thành điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch. Điểm du lịch này được gọi với biệt danh “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên khi không chỉ có khí hậu mát mẻ mà nơi đây còn sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ.