Ngày 16/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình hỏa tốc gửi tới Chính phủ về dự thảo Nghị quết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường giảm mạnh. Sức chống chịu của doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.
Vì thế trong dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp cần đưa ra các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tiếp sức cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.
Mục tiêu của Nghị quyết này hướng tới khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh. Đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trong Nghị quyết Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19. Không để tình trạng chưa thống nhất giữa các địa phương như hiện nay đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đồng thời đẩy mạnh và ứng dụng các nền tảng công nghệ số để bảo đảm thông tin tập trung, chính thống, nhanh chóng và thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Trong dự thảo Nghị quyết đã bổ xung người lao động làm việc trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao, người lao động của các doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào diện ưu tiên tiêm vắc xin.
Đây là kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng đây là ý kiến xác đáng, nên đưa vào nghị quyết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập đến đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về chiến dịch “selftest - tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” mà một số nước trên thế giới. Giải pháp này giúp doanh nghiệp chủ động, tiết kiệm chi phí và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước; đồng thời, giảm bớt nguy cơ lây nhiễm do tập trung đông người tại các cơ sở xét nghiệm.
Trước thực trạng hiện nay tại các tỉnh thành phố đang có dịch lan nhanh nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, một số doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình “3 tai chỗ” đã cho thấy không phải là mô hình phù hợp với các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp và hiệp hội đề nghị để doanh nghiệp chủ động thiết kế mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và bảo đảm an toàn phòng chống dịch, báo cáo với địa phương phê duyệt và tự chịu trách nhiệm với mô hình, với phương án mà doanh nghiệp đưa ra.
Để khắc phuc đứt gãy chuỗi cung, duy trì sản xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ giao các địa phương và doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất, quyết định và chịu trách nhiệm về phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 và điều kiện thực tế của doanh nghiệp.
Để giải tỏa ách tắc trong lưu thông hàng hóa hiện nay, đảm bảo tiến độ cung cấp đơn hàng và hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, áp dụng chế độ hải quan ưu tiên cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trình Chính phủ các giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo đó cần tiếp tục có các chính sách, giải pháp như miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế phải nộp, phí phải đóng như đoàn phí, kinh phí công đoàn; bảo hiểm xã hội; giá điện; thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa và quốc tế; phí cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh.
Các giải pháp nhanh mạnh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết theo 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính: (i) Thực hiện các biện pháp, phòng chống đại dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; (ii) Đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; (iii) Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; (iv) Tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
Dự thảo Nghị quyết cũng đạt ra những chỉ tiêu cụ thể đến cuối năm 2021 cần đạt được, đó là:
Có một triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19.
Khoảng 160.000 doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất. Có 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Và hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...