Bộ Công thương cho hay ngành thép của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài nên khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động, sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo.
Trước tình hình giá thép tăng cao, để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, định giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, đầu tháng 2/2021, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan có Văn bản số 724/BCT-CN ngày 05/2/2021 báo cáo Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo một số giải pháp nhằm ổn định cung-cầu và giá thép trong nước trong năm 2021.
Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
Thép của Việt Nam được bán đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc.. Ảnh: ST
Theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.
Thông tin thêm, đại diện Bộ Công thương cho biết, ngày 11/5, Bộ Công thương đã có Văn bản số 2612/BCT-CN gửi Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đề nghị Hiệp hội rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.
Bộ cũng đề nghị VSA thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn, vướng mắc đề nghị kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Hiện nay, Bộ Công thương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 8/5/2021.
Báo cáo của VSA công bố ngày 14.5 cho thấy riêng về hoạt động xuất khẩu, trong quý 1/2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 2,92 triệu tấn, với trị giá đạt 2,043 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước.
Thép của Việt Nam được bán đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc... Giá nguyên vật liệu và giá bán thép tiếp tục tăng trong tháng 4 và đầu tháng 5.
Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất. Giá nguyên liệu thép tăng đẩy giá bán thép trong nước tăng vọt lên trên 17,5 - 17,9 triệu đồng/tấn, tăng từ 40 - 45% so với cuối năm 2020.