Vừa qua, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, cơ quan này đã triển khai mạnh mẽ việc rà soát, vô hiệu hóa các website và tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng.
Đồng thời, Bộ cũng đã đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để nhanh chóng truy vết dòng tiền, tạm thời khóa và phong tỏa các tài sản liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Riêng trong tháng 8/2024, cả nước đã xảy ra 815 vụ, tăng hơn 11%, chiếm gần 16% trong cơ cấu tội phạm. Đáng chú ý, tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm gần 55% tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có tới hơn 50% các vụ lừa đảo diễn ra trên không gian mạng, với nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo các cơ quan thuế, ngân hàng, công an để gọi điện lừa gạt; lập các website giả mạo của các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn để thu hút vốn đầu tư hoặc tuyển dụng nhân sự. Ngoài ra, các đối tượng còn lập trang Facebook có logo của các trường đại học để lừa đảo tiền học phí, lệ phí...
Trước tình hình này, Bộ Công an đã và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh. Trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền về các phương thức và thủ đoạn lừa đảo, với nhiều hình thức đa dạng.
Trong tháng 8/2024, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an, cùng các Cổng/Trang Thông tin điện tử của công an, các đơn vị, địa phương đã cung cấp và đăng tải hơn 500 tin, bài cảnh báo về tội phạm, tập trung thường xuyên vào loại tội phạm lừa đảo qua mạng.
Bộ Công an cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông để thúc đẩy việc sử dụng tài khoản định danh điện tử của công dân trong các hoạt động trực tuyến; đồng thời, tăng cường kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và SIM rác để ngăn chặn tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo.
Ngoài ra, Bộ Công an đã mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bao gồm cả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8/2024, cơ quan chức năng đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website và tài khoản mạng xã hội nghi vấn liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Bộ cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia, đặc biệt trên không gian mạng.
Người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh, để phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm lừa đảo, nhất là qua mạng, Bộ khuyến nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo, nâng cao cảnh giác và thận trọng khi nhận các cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ Nhà nước yêu cầu giải quyết vụ việc qua điện thoại.
Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm, nên thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.