Bộ Công an vào cuộc xử lý hành vi ‘phông bạt’, giả mạo bill chuyển tiền từ thiện

Bộ Công an khẳng định sẽ tiếp nhận và xử lý các tố giác liên quan đến hành vi giả mạo biên lai chuyển tiền, lừa đảo trong hoạt động từ thiện.

Gần đây, phong trào quyên góp hỗ trợ người dân bị thiệt hại bởi cơn bão Yagi đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo nhà hảo tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm lòng chân thành, đã xuất hiện một số trường hợp lợi dụng hoạt động từ thiện bằng cách chỉnh sửa biên lai chuyển tiền. Từ những khoản nhỏ chỉ vài trăm nghìn đồng, họ "biến hóa" thành các khoản lớn hơn gấp nhiều lần, thậm chí lên đến hàng trăm triệu hoặc tỷ đồng, nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi cá nhân.

Bộ Công an khẳng định sẽ tiếp nhận và xử lý các tố giác liên quan đến hành vi giả mạo biên lai chuyển tiền, lừa đảo trong hoạt động từ thiện. Ảnh minh họa

Trước tình hình này, Bộ Công an đã tuyên bố sẽ điều tra và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo biên lai chuyển tiền từ thiện. Bộ cũng nhấn mạnh rằng các cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động từ thiện cần tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật và giữ gìn đạo đức xã hội.

Theo Bộ Công an, việc cố tình chỉnh sửa biên lai để đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức mà còn có thể cấu thành tội làm giả tài liệu và phát tán thông tin sai sự thật. Tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp điều tra xác định hành vi giả mạo biên lai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình thống kê và phân phối tiền từ thiện hoặc gây rối loạn dư luận xã hội, người vi phạm có thể bị khởi tố về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ". Mức hình phạt hình sự sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hậu quả gây ra.

Người vi phạm có thể bị khởi tố về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ". Ảnh minh họa

Nếu hành vi giả mạo không gây hậu quả nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội, cá nhân đăng tải thông tin sai lệch về việc chuyển tiền từ thiện có thể bị phạt hành chính theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP. Mức phạt dao động từ 5 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân và từ 10 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, nếu một cá nhân nhận tiền từ thiện thay mặt người khác và sau đó chỉnh sửa biên lai với mục đích chiếm đoạt tài sản, người đó có thể bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", với khung hình phạt lên đến 20 năm tù giam.

Trường hợp người vi phạm là thành viên của một tổ chức và có hành vi chỉnh sửa biên lai nhằm chiếm đoạt tài sản, họ có thể bị truy tố về tội "Tham ô tài sản". Mức xử phạt có thể từ phạt hành chính 3 đến 5 triệu đồng, cho đến án tử hình nếu số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn.

Bánh chưng làng

30/12/2024 08:42