Bình Phước: Họp đánh giá đề tài “Ứng dụng các giải pháp sinh học phòng trị sâu, bệnh gây hại trên cây hồ tiêu tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước”

(CL&CS) - Mới đây, Hội đồng tuyển chọn tổ chức cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp cơ sở năm 2024 do bà Bùi Thị Minh Thúy, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì đã họp đánh giá đề tài “Ứng dụng các giải pháp sinh học phòng trị sâu, bệnh gây hại trên cây hồ tiêu tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước”.

Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam là nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới và đang đóng góp khoảng 40% nguồn cung hồ tiêu toàn cầu.

Trong đó, Bình Phước là tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất nước với hơn 12.950ha nên có nhiều đóng góp cho ngành kinh tế hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Đối với huyện Bù Đốp, hiện có 2.956ha tiêu, sản lượng bình quân đạt hơn 4.640 tấn/năm, đang là vùng sản xuất hồ tiêu quan trọng của tỉnh. 

Hình minh họa

Cây tiêu rất nhạy cảm với thời tiết, sâu bệnh, trong khi nhiều năm nay người dân lạm dụng thái quá phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, điều hòa sinh trưởng gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước; đất đai thoái hóa.

Sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu phát sinh thành dịch, gây thiệt hại nặng mà chưa có cách phòng trừ hữu hiệu khiến ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị hạt tiêu trên thị trường. Vì vậy, đề tài ứng dụng các giải pháp sinh học phòng trị sâu, bệnh gây hại trên cây hồ tiêu tại huyện Bù Đốp là rất cần thiết. Đề tài có 4 nội dung chính gồm: Xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật, thực hiện mô hình, tổng kết và nhân rộng các mô hình. 

Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên hội đồng cho rằng: Các nội dung, công việc đặt ra trong đề tài là hợp lý; có tính khả thi và phù hợp, khả năng ứng dụng cao, có thể triển khai và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Tuy nhiên, các chuyên gia, thành viên hội đồng cũng yêu cầu nhóm tác giả làm rõ tính hiệu quả các chế phẩm sinh học đối với cây tiêu. Bên cạnh đó, phải so sánh việc áp dụng biện pháp sinh học trong chăm sóc, phòng trừ và điều trị cho cây tiêu so với các biện pháp khác đang áp dụng trên địa bàn tỉnh để có sự so sánh về tính ưu việt của phương án này. Qua đánh giá, nhận xét, đề tài được Hội đồng khoa học chấm đạt 82,1 điểm. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Giám đốc Sở KH&CN Bùi Thị Minh Thúy, Chủ tịch Hội đồng cho biết: Đây là số điểm cao nhất từ đầu năm đến nay đối với dự án, đề tài thực hiện nhiệm vụ KH&CN cơ sở năm 2024. Đề nghị đơn vị thực hiện cũng như chủ nhiệm đề tài tiếp thu những ý kiến góp ý của các thành viên điều chỉnh đề tài hoàn chỉnh để khi đưa vào thực hiện mang tính ứng dụng thực tiễn cao, mang lại hiệu quả trong chăm sóc, trồng cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN