Biệt thự cổ 130 năm của đại gia lúa gạo: Nhất cận thị, nhị cận giang, ngoại thất kiểu Pháp, nội thất kiểu Hoa

Ngôi nhà này không chỉ nổi tiếng với kiến trúc lạ lẫm cổ xưa mà còn về những giai thoại ly kỳ về thiên tình sử của chủ nhân căn nhà.

Người miền Tây không ai xa lạ với ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc, Đồng Tháp) - ngôi nhà do thương nhân người Hoa giàu nhất Sa Đéc thế kỷ 19 do ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng. 

Ngôi nhà này tọa lạc tại số 255A Nguyễn Huệ, phường 2, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Căn biệt thự cổ này tọa lạc tại vị trí thuận lợi “nhất cận thị, nhị cận giang”, nằm ven con sông Tiền và khu chợ đông đúc, sầm uất.

Biệt thự cổ một thời của đại gia lúa gạo, bất động sản biệt thự, cửa tiệm và nhà phố. Ảnh: Thamhiemmekong

Sinh thời, ông Huỳnh Cẩm Thuận là chủ một hiệu buôn lúa gạo, bất động sản biệt thự, cửa tiệm và nhà phố. 

Ngôi nhà được xây dựng năm 1895, trên khu đất rộng hơn 2.000m2 ở trung tâm TP Sa Đéc (Đồng Tháp) có nền rộng 260m2. Ngôi nhà rộng như thế nhưng chỉ có duy nhất 2 phòng ngủ được xây dựng theo kiểu 3 gian truyền thống của miền Tây Nam Bộ, rộng 258m2 với vật liệu chính là gỗ quý.

Căn biệt thự này đã được gần 130 năm. Ảnh internet

Năm 1917, căn nhà được trùng tu, xây dựng thêm tường bao, hành lang theo kiến trúc Pháp với cổng vòm chạm khắc hoa văn phục hưng. Tuy nhiên, bên trong nhà lại mang lối kiến trúc đậm màu sắc Trung Hoa qua những đường nét chạm khắc rất sắc sảo, được sơn son thếp vàng như hình chim muông, cây trái, các loại hoa. 

Bên trong nhà có nhiều nội thất, gạch bông và kính màu được nhập từ Pháp. Đặc biệt, phần cửa kính màu được thiết kế tinh xảo, tạo nên những mảng màu rất nghệ thuật dưới ánh nắng. Những đồ dùng trong nhà như tủ rượu, giá sách, tivi trắng đen hay những bộ bình trà, đèn, máy hát vẫn còn được lưu giữ, đều có tuổi đời trên 130 năm.

Kiến trúc ngôi nhà kết hợp giữa Pháp và miền Tây. Ảnh: VNP

Ngôi nhà này không chỉ nổi tiếng với kiến trúc lạ lẫm cổ xưa mà còn về những giai thoại ly kỳ về thiên tình sử của chủ nhân căn nhà.

Ông Thuỷ Lê là thương gia, con nhà dòng dõi, giàu có. Thời trẻ, trên một chuyến phà, ông gặp cô gái Margueritte Duras, người Pháp và đã rơi vào tình yêu sét đánh. Họ đã dọn đến ở cùng với nhau tại căn nhà cổ trên. Tuy nhiên, hai gia đình đối lập không môn đăng hộ đối khiến gia đình ông Thuỷ Lê không chấp nhận cuộc tình này.

Nhiều đồ gia dụng từ gỗ quý hiếm. Ảnh: VNP

Mẹ Margueritte là một góa phụ phá sản và trầm uất còn Huỳnh Thuỷ Lê lúc đó là một thiếu gia sở hữu một khối tài sản khổng lồ, anh chàng cũng vừa du học Pháp trở về. Họ sắp đặt cho ông Lê một mối lương duyên lấy cô vợ trẻ người Hoa giàu có môn đăng hộ đối. Không chịu được áp lực gia đình họ chia tay. Margueritte trở về Pháp và ông Thuỷ Lê cũng lập gia đình.

Sau này, bà Margueritte đã viết nên tiểu thuyết "Người tình" (tên tiếng Pháp là L´Amant) dựa trên chính mối tình của bà và ông Huỳnh Thuỷ Lê. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1984, được dịch ra 43 thứ tiếng và đoạt giải thưởng văn học danh giá của Pháp – giải Goncourt. 

Chuyện tình của ông Thuỷ Lê đã được dựng thành phim. Ảnh internet

Đặc biệt, chuyện tình đẹp đẫm nước mắt của hai người đã được Đạo diễn Jean - Jacques Annaud chuyển thể thành bộ phim cùng tên với các diễn viên Jane March, Lương Gia Huy. Bộ phim khi ra đời đã gây xôn xao khán giả điện ảnh Việt với những thước phim lãng mạn và đẹp như mơ của cặp đôi.

Vào năm 2008, công trình biệt thự cổ Huỳnh Lê được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh và cho đến năm 2009, thì được cấp giấy công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, biệt phủ được quản lý trực tiếp bởi công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp và mỗi năm đón tiếp lượng lớn du khách tham quan, chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo.