Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố cáo báo tài chính quý 3/2020. Theo đó, thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm nay đạt 25.232 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, cơ cấu thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập của BIDV giảm từ mức 77% của 9 tháng đầu năm 2019 về còn 73%.
Nguyên nhân đến từ thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 74.728 tỷ đồng, chỉ tăng 0,8% (618 tỷ đồng) nhưng chi phí lãi tăng đến 3,7% (1.784 tỷ đồng), đạt 49.496 tỷ đồng.
Chi phí lãi tăng bắt nguồn từ việc trả lãi phát hành giấy tờ có giá tăng 69% (1.688 tỷ đồng) và trả lãi tiền gửi tăng 2% (948 tỷ đồng), trả lãi tiền vay -33% (-733 tỷ đồng).
Lãi thuần từ hoạt động khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng giảm mạnh lần lượt -22% (-778 tỷ đồng) và -43% (-76 tỷ đồng).
Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư đều tăng trưởng tốt.
Đặc biệt, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 1.009 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái, hoạt động này còn lỗ 266 tỷ đồng. Chứng khoán đầu tư đang chiếm một giá trị tương đối lớn trong tổng tài sản của ngân hàng khi đạt 128.835 tỷ đồng, tương đương 8,8% trong cơ cấu tổng tài sản của BIDV.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng thu nhập của BIDV đạt 34.555 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động tăng 6% lên mức 11.374 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 2,3% còn 16.119 đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 7.062 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, lợi nhuận của BIDV phải xếp sau Vietcombank, VietinBank và hàng loạt ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, MB.
Tại thời điểm 30/9, ngân hàng có 1.145.004 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, tăng 1,2% trong quý 3 và 2,76% trong 9 tháng đầu năm.
Cho vay khách hàng đạt 1.145.359 tỷ đồng, tăng 0,54% trong quý 3 và 2,55% trong 9 tháng đầu năm. Nợ ngắn hạn (dưới 1 năm) đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với tỷ lệ 61,9%, kế đến 32% thuộc về nợ dài hạn (trên 5 năm) và 6,1% là nợ trung hạn.
Đến cuối tháng 9, ngân hàng có 22.526 tỷ đồng nợ xấu, giảm 1,1% trong quý 3 và tăng 15,8% trong 9 tháng đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,97%, giảm 0,03 điểm phần trăm trong quý 3 và tăng 0,23 điểm phần trăm trong 9 tháng.
Hiện nay, BIDV là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán với 40.220 tỷ đồng. Đóng cửa ngày 29/10, cổ phiếu BID của BIDV đạt 38.650 đồng/cổ phiếu, giảm 16,3% so với đầu năm.
Vốn hóa thị trường của BIDV hiện nay đạt 155.451 tỷ đồng, xếp thứ 5 trong các doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sau Vingroup, Vietcombank, Vinhomes và Vinamilk.