BIDV giữ vững vị thế ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam

(CL&CS) - Tính đến hết quý 3/2023, tổng tài sản hợp nhất của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt trên 2,13 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường.

Biểu đồ: Lợi nhuận trước thuế của BIDV giai đoạn 2008-2022 và 9 tháng đầu năm 2023 (đvt: tỷ đồng).

Huy động vốn đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Đến 30/9/2023, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt gần 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của khách hàng đạt 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng tốt ở cả phân khúc bán lẻ và bán buôn, gia tăng hiệu quả và tính ổn định của nền vốn.

Dư nợ tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến 30/9/2023 dư nợ tín dụng tăng 8,4% so với đầu năm, trong đó cho vay khách hàng đạt 1,65 triệu tỷ đồng, tăng 8,6%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng đều ở cả phân khúc bán lẻ (8,6%) và bán buôn (8,3%), góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN thời điểm 30/9/2023 kiểm soát theo định hướng (≤1,4%). BIDV thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định. Các chỉ tiêu về an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định của Nhà nước.

Trong quý 3, BIDV đạt 5.893 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 11,7% so cùng kỳ năm trước, tương đương 781 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 19.763 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2.086 tỷ đồng.

Như vậy, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm nay của BIDV đứng thứ ba trong ngành ngân hàng chỉ sau Vietcombank (29.550 tỷ đồng), MB (20.019 tỷ đồng).

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 3 quý đầu năm 2023 của BIDV (đvt: tỷ đồng, %).

Mới đây, BIDV đã chuyển đổi thành công hệ thống ngân hàng lõi mới. Lãnh đạo BIDV cho rằng, việc đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Với tinh thần quyết tâm cao độ, tập trung tối đa các nguồn lực, trải qua hơn 1.000 ngày nỗ lực, hệ thống ngân hàng lõi Core Banking Profile của BIDV chính thức đi vào hoạt động vào 15h10 phút ngày 3/9/2023, tích hợp toàn diện hơn 100 ứng dụng vào hệ thống ngân hàng lõi, đảm bảo an toàn, chính xác về thông tin dữ liệu.

Việc triển khai thành công Core Banking Profile được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của ngân hàng, mang lại những đột phá toàn diện, đặc biệt về định hướng, chiến lược phát triển kinh doanh, tư duy phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình tổ chức, mô thức quản trị điều hành, quy trình tác nghiệp... góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng, từ đó củng cố vị thế ngân hàng trong tương lai.

Đại diện BIDV cho biết, trong thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình hệ thống, điều hành hoạt động kinh doanh theo hướng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung gia tăng các nguồn thu phi lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, tối đa hóa các nguồn thu và kiểm soát chi phí, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Đóng cửa ngày 31/10/2023, cổ phiếu BID của BIDV đạt 40.200 đồng/cổ phiếu, tăng 4,1% so với đầu năm nay. Ở mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của BIDV đạt 203.353 tỷ đồng, xếp thứ hai trên thị trường chứng khoán chỉ sau Vietcombank (485.133 tỷ đồng).

TIN LIÊN QUAN