Techcombank thu hút 1,2 triệu khách hàng mới năm 2021
Thông điệp từ CEO của Techcombank – ông Jens Lottner mở đầu báo cáo thường niên 2021 ghi rõ “năm 2021 Techcombank đã tiếp tục gia tăng cách biệt, tối ưu nguồn lợi nhuận giữ lại, tăng tốc đầu tư, tương tác với khách hàng, qua đó khẳng định vị thế ngân hàng số hàng đầu Việt Nam, tiến tới mục tiêu trở thành TOP 10 ngân hàng lớn nhất khu vực”.
Ông Jens Lottener cũng cho biết, chính sách khách hàng là trọng tâm cùng khung quản trị rủi ro chặt chẽ đã hậu thuẫn cho Techcombank trở thành ngân hàng có lợi nhuận và hiệu suất hoạt động hàng đầu Việt Nam.
Báo cáo của Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, năm 2021 vừa qua Techcombank đã thu hút thêm khoảng 1,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên hơn 9,6 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử khách hàng cá nhân đạt 652 triệu giao dịch, tăng 70,5% so với cùng kỳ và 9,1 triệu tỷ đồng, liên tục giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường về doanh số thanh toán qua thẻ VISA và lần đầu tiên đoạt giải Ngân hàng dẫn đầu thị trường về thanh toán nội địa do NAPAS trao tặng.
Lợi nhuận lập đỉnh mọi thời đại, Techcombank vẫn đặt kế hoạch vượt trội hơn mỗi ngày
Thông điệp từ Chủ tịch HĐQT Techcombank – ông Hồ Hùng Anh – nhấn mạnh, Techcombank sẽ luôn sẵn sàng cho những thách thức mới, vượt trội hơn mỗi ngày để thực thi thế mạnh dẫn dắt hành trình số hoá của ngành tài chính, cung cấp những giải pháp chuyên biệt và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”.
Kết quả kinh doanh của TechcomBank cho thấy ngân hàng đang liên tục vươn lên với lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt hơn 18.400 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay. Và từ nhiều năm nay lợi nhuận của Techcombank đều tăng trưởng dần theo từng năm.
Còn quý 1/2022 vừa qua Techcombank cũng báo lãi sau thuế hơn 5.600 tỷ đồng, giữ nguyên vị trí trong TOP 3 các ngân hàng lãi lớn nhất trên sàn chứng khoán. Đây cũng là “điểm cộng” của Techcombank khi nhiều năm liên tiếp đều liên tục chiếm một vị trí trong TOP 3 các ngân hàng lãi lớn nhất.
Báo cáo của KBSV ghi nhận khách hàng cá nhân và SME tiếp tục là động lực tăng trưởng tín dụng của ngân hàng với mức tăng lần lượt là 6,2%và 7,8%, khách hàng bán buôn tăng nhẹ 2,5%. Về ngành nghề kinh doanh, dư nợ cho vay bất động sản, xây dựng vào cuối quý 1/2022 khoảng 249.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Hoạt động đầu tư trái phiếu tiếp tục tăng mạnh với tỷ lệ tăng 23,7%, trong đó chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp.
Tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường
CEO Techcombank, ông Jens Lottner chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, tuy vậy Techcombank được kiểm soát ở mức tốt, nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, chỉ 0,7%. Còn kết thúc quý 1/2022 nợ xấu cũng hầu như không tăng, đạt 0,67%. Tỷ lệ nợ xấu bao phủ 160,8%.
Hiện tại vốn điều lệ của Techcombank đang xấp xỉ 35.100 tỷ đồng và đã không tiến hành tăng vốn điều lệ từ năm 2018 đến nay. Nhìn về khía cạnh tăng vốn chung trên thị trường, hiện tại nhiều ngân hàng đang dùng hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn điều lệ với thông điệp “vốn lớn uy tín lớn”.
Tuy vậy ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank lại cho rằng lộ trình tăng vốn của ngân hàng nên hướng đến việc mang lại lợi ích cho khách hàng và cổ đông dài hạn. Hiện tại chỉ số ROE (tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) của TCB đang ở mức 20% - là mức lợi nhuận rất tốt”. Thống kê cho thấy, chỉ số ROE của Techcombank cũng nằm trong TOP đầu của những ngân hàng lớn hiện nay.
Chỉ số ROE cao, cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn của cổ đông. Tỷ lệ an toàn vốn cao mang lại lợi thế cạnh tranh vượt trội cho TCB.
KBSV kỳ vọng giá cổ phiếu TCB quanh mức 65.000 đồng/cp
Techcombank mang sứ mệnh dẫn dắt hành trình số hoá của ngành tài chính, tạo động lực cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức phát triển bền vững, bứt phá thành công.
Techcombank hiện có tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản lớn, chiếm tỷ trong khoảng 68% tổng cho vay khách hàng. Nửa cuối năm 2022 dự kiến sẽ khởi sắc khi HNNN nới lỏng các biện pháp siết chặt tín dụng bất động sản. Bên cạnh đó một số dự án trọng điểm của đối tác lớn bắt đầu khởi công từ quý 2/2022 sẽ là kỳ vọng chính cho tăng trưởng tín dụng 2 quý cuối năm. Ước tính dư nợ tín dụng năm 2022 sẽ tăng 15% lên 446.554 tỷ đồng.
Năm 2022 mở đầu với những khó khăn nhất định khi những ngày đầu năm dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, kèm với đó là những thông tin lớn tác động đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là những thông tin liên quan đến việc siết chặt cho vay bất động sản.
Tuy vậy báo cáo của KBSV cho biết, kết hợp 2 phương án định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận để tìm ra giá hợp lý cho cổ phiếu TCB, thì KBSV vẫn đánh giá cao Techcombank bởi chất lượng tài sản cũng như các nguồn thu của ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng tốt. Dù cổ phiếu TCB nói riêng và cổ phiếu các ngân hàng nói chung đã có nhịp điều chỉnh mạnh do những lo ngại về siết chặt tín dụng và thị trường trái phiếu. Tuy vậy KBSV cũng nhận định vùng giá hợp lý cuối cùng cho cổ phiếu TCB là 65.000 đồng/cổ phiếu.
Trải thảm đỏ đón nhân tài, chiến lược gia tăng trải nghiệm số cho người dùng
Báo cáo ghi nhận trong 12 tháng, qua kênh số, Techcombank đã phát hành mới khoảng 68.000 thẻ tín dụng. Tổng tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn trực tuyến cuối năm 2021 đạt xấp xỉ 71.000 tỷ đồng với gần 300.000 khách hàng gửi.
Techcombank đang trải thảm đỏ cho 4.357 nhân tài, trong đó trên 17% nhân tài tuyển dụng mới cho lĩnh vực CNTT, số hoá và dữ liệu. Techcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai đăng ký mở thẻ tín dụng trực tuyến giúp khách hàng có thể kích hoạt và sử dụng ngay sau khi đăng ký.
Techcombank cho biết ngân hàng đang thích ứng với các thay đổi trong hành vi và nhu cầu khách hàng, qua đó liên tục đổi mới để mang tới các trải nghiệm số đơn giản, an toàn và liền mạch trong khi trao quyền cho nhân viên đưa ra các tư vấn mang tính cá nhân hoá. Techcombank khẳng định sẽ “tiếp tục mang tới cho khách hàng các giải pháp và dịch vụ ngân hàng số đi đầu thị trường với mục tiêu giúp người dân và doanh nghiệp Việt Nam vượt trội hơn mỗi ngày”.