Đình Phong Phú nằm ở vùng ven phía Đông TP HCM, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, khi thôn Phong Phú có tên trong tổng An Thủy, hạt Sài Gòn năm 1880 (nay là phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP HCM). Đây được xem là ngôi đình cổ bậc nhất miền Nam. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đình Phong Phú vẫn giữ được vẻ đẹp uy nghiêm và cổ kính.
Ngôi đình này tọa lạc tại một khu đất rộng 4,2ha ở ngoại thành Sài Gòn. Xung quanh đình có các loại cây tuổi đời từ vài năm đến vài chục năm như cây dầu, tràm, sao đen… cùng nhiều loại cây phát triển tự nhiên. Nhìn từ trên cao, một khu vực rộng lớn với hàng nghìn cây có mật độ dày đặc, không có khoảng đất trống. Rừng cây như một “lá phổi xanh” ở phía đông thành phố.
Đình Phong Phú được xây dựng với lối kiến trúc đối xứng. Cổng đình có hai lớp, lớp thứ nhất là cửa tả và cửa hữu, chính giữa tạc bia Ông Hổ. Lớp cổng thứ hai xây theo kiểu tam quan, chính giữa thờ tượng Bạch Mã.
Sau cổng tam quan là bàn thờ Thần Nông, tiếp đến là hòn non bộ. Ở hai bên hòn non bộ có miếu Ngũ Hành Nương Nương và tượng Ông Hổ. Tiếp đến là võ ca (nơi tổ chức cúng và ca hát trong các lễ) được đặt chính giữa, đối diện với chính điện.
Theo trục dọc của đình, sau võ ca là tiền điện, chánh điện, nhà túc, nhà bếp, đối xứng qua trục chính bên phải là nhà truyền thống, bên trái là nhà rửa rau quả. Trên nóc mặt tiền có trang trí lưỡng long tranh châu cẩn mảnh sành nhiều màu.
Đình Phong Phú mang phong cách đình thờ của miền Nam. Vì vậy, các họa tiết trang trí như long, lân, quy, phụng, bát tiên, cá hóa long... được khắc họa đậm nét. Phía trong chánh điện, có rất nhiều bức hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Trên các cột trong đình, hình tượng rồng, phụng uốn lượn, tạo nên vẻ đẹp huyền bí mà cũng rất uy nghiêm.
Ngoài ra, đình Phong Phú là đình duy nhất thờ tượng thần Thành hoàng tại TP HCM, trong khi các đình khác chỉ thờ bài vị. Tượng Thành hoàng đặt giữa Long đình trong khám, cao 2,5m, bệ tượng cao 1m. Xung quanh khám thờ được trang trí bằng những bao lam gỗ chạm lộng rất đẹp.
Hai bên bàn thờ Thần là bàn thờ Tả ban, Hữu ban (những tướng sĩ đi theo hộ vệ thần). Phía sau sát vách tường, hai bên có bàn thờ Tiên hiền và Hậu hiền, là những người có công khai lập và đóng góp công sức cho làng Phong Phú.
Đình Phong Phú không chỉ là nơi cúng thần của làng, mà còn là căn cứ cách mạng quan trọng, trong đó một đường hầm bí mật được đào năm 1959. Hầm dài gần 100m, được đào từ trong ngôi đình thông vào bên trong rừng cây phía sau. Lối lên xuống nằm ngay cạnh ụ mối lớn để che miệng hầm. Từ 4 năm trước, miệng hầm được xây nhà che.
Hai đầu cửa hầm hình vuông, chỉ một người chui lọt xuống bậc tam cấp hoặc kệ phía dưới. Hầm bí mật là nơi ẩn nấp, che giấu nhiều cán bộ, chiến sỹ, cũng là nơi chứa vũ khí, thuốc men, thực phẩm, tiền bạc sử dụng cho các trận đánh.
Đường hầm chỉ rộng 40cm, phần lớn hầm cao ngang ngực người lớn. Khi di chuyển bên trong hầm, phải cúi khom người. Phó hội trưởng đình Phong Phú cho biết, vài năm qua, hầm được gắn quạt thông gió cùng bóng đèn thắp sáng xuyên suốt đường đi. Bên dưới hầm có nhiều khoảng không để cán bộ, chiến sỹ nghỉ ngơi, họp hành…
Hiện nay, bên trong hầm vẫn còn nhiều dấu tích là những móc sắt dọc hai bên tường hầm dùng để mắc võng nghỉ ngơi trong thời gian ẩn náu của các chiến sỹ cách mạng. Năm 1993, đình Phong Phú được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Văn hoá - Cách mạng và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.