Tỷ lệ nhà bỏ trống tại 50 thành phố lớn nhất nước Mỹ đã lên tới 5,5 triệu căn nhà
Hiện tỷ lệ nhà bỏ trống tại 50 thành phố lớn nhất nước Mỹ đã lên tới 5,5 triệu căn. Số liệu trên được nêu trong một nghiên cứu của Công ty cho vay trực tuyến Lending Tree, dựa trên cuộc "Khảo sát cộng đồng người Mỹ" mới nhất của Cục Điều tra dân số nước này.
Khảo sát cho thấy, tỷ lệ nhà bỏ trống cao nhất là tại ba thành phố New Orleans, Miami và Tampa với hơn 600.000 căn. Số nhà bỏ trống ở các thành phố lớn tại Mỹ đều là sản phẩm thứ cấp, bao gồm cả những căn đang chờ cho thuê, bị tịch thu hoặc là tài sản đầu tư.
Trong số những nhà bỏ trống có lượng lớn các căn nghỉ dưỡng, phục vụ nhu cầu sử dụng theo mùa và chủ nhà không sử dụng thường xuyên.
Người dân địa phương cho rằng nhiều người mua bất động sản làm ngôi nhà thứ hai rồi cho thuê trên Airbnbs đang góp phần vào tình trạng thiếu nhà ở và góp phần đẩy giá nhà lên cao.
Giải pháp được nhiều thành phố tại Mỹ ủng hộ đó là xem xét lệnh cấm cho thuê Airbnbs (hình thức cho thuê dịch vụ lưu trú ngắn ngày) với bất động sản thứ hai. Còn với thành phố San Francisco, chính quyền địa phương đã thông qua việc áp mức thuế rất cao từ 2.500 đến 20.000 USD/căn hộ bỏ trống, qua đó kiên quyết xử lý nạn nhà bỏ không tại đây.
Tính riêng Vương quốc Anh đã có hơn 1 triệu ngôi nhà trống
Theo báo cáo vừa được công bố của Hiệp hội Chính quyền địa phương Anh (LGA) và Hiệp hội Nhà trống (EHN), có tổng cộng hơn 1 triệu bất động sản được phân loại “trống”.
Theo The Telegraph, “nhà trống” được định nghĩa là tài sản không có người ở và không có đồ đạc. Một bất động sản được xem “trống dài hạn” nếu bị bỏ trống hơn 6 tháng.
Dữ liệu mới nhất từ Bộ Nâng cấp, Nhà ở và Cộng đồng Anh (DLUHC) cho biết có hơn 260.000 ngôi nhà trống dài hạn và 263.000 nhà “second home” (nhà phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng theo mùa) tại nước này.
Dù tăng mạnh vào tháng trước, nhưng nhiều người dự đoán giá nhà ở Anh sẽ sụt giảm đáng kể trong vài tháng tới, khi lãi suất thế chấp tăng cao khiến người vay mua nhà e ngại.
Nhiều chủ nhà đang tạm dừng việc rao bán nhà bất chấp thuế nhà trống đang tăng. Họ chờ đợi thời kỳ bất động sản ảm đạm qua đi giá nhà sẽ tốt lên hơn là chịu bán lỗ thời điểm này.
Chính phủ Anh phải giảm số nhà trống bằng việc tăng thuế địa phương. Việc tăng thuế địa phương với chủ sở hữu nhà trống được thông qua từ năm 2013. Quy định này cho phép chính quyền địa phương tăng thuế lên ít nhất 50% với các nhà bị bỏ trống từ 2 năm trở lên.
Từ năm 2019, chính quyền đã có thể tăng gấp đôi mức thuế này với các bất động sản trống dài hạn. Kể từ năm 2021, những ngôi nhà bị bỏ trống trong 5 năm có thể bị đánh thuế gấp 3 lần.
Nếu bị bỏ trống trong 1 thập kỷ, chủ nhà sẽ chịu mức thuế địa phương cao gấp 4 lần mức thông thường.
Năm 2023, trừ 6 chính quyền địa phương, còn lại đều đã đánh mức thuế tăng thêm này lên những ngôi nhà trống.
Người dân Pháp phải đợi vài năm mới đến lượt mua nhà ở xã hội, trong khi có hàng chục ngàn căn nhà trống
Pháp vừa sửa đổi luật để áp thêm một sắc thuế mới lên nhà bỏ trống kể từ đầu năm sau. Đây là một biện pháp siết chặt thêm sau khi đã quyết định tăng thuế đánh vào nhà bỏ trống.
Thuế đánh vào nhà bỏ trống tăng từ 12,5% lên 17% giá trị cho thuê trong năm đầu tiên. Những năm sau vẫn không đến ở, không cho thuê, không bán, thuế tăng từ 25% trước đây lên 34% giá trị cho thuê. Nước Pháp đánh thuế nhà bỏ trống ngoài mục đích tăng thu ngân sách, còn nhằm điều tiết thị trường bất động sản và giảm bất bình đẳng xã hội.
Paris và vùng ngoại ô có tới hơn 700.000 người phải đăng ký thuê hoặc mua nhà ở xã hội. Thời gian từ khi nộp đơn đến khi vào được nhà là 2 năm, trong khi đó số lượng nhà bỏ trống tại Pháp lên tới 40.000 căn. Mức thuế mới hy vọng sẽ làm thay đổi phần nào tình hình.