Như đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh và Trần Uyên Phương về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, Bộ Công an giao đã Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung Đơn của một số công dân trên địa bàn TP. HCM và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích cùng một số cá nhân khác thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP. HCM từ tháng 11/2020.
Theo thông tin từ phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập ngày 27/10/1997. Tân Hiệp Phát đã có 43 lần thay đổi đăng ký kinh doanh và lần gần nhất là ngày 10/10/2022.
Thông tin thay đổi về vốn điều lệ tính đến ngày 9/9/2022, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 1.706 tỷ đồng với các cổ đông gồm: Bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Thanh) nắm 54,493%, bà Trần Uyên Phương nắm 29,384% và bà Trần Ngọc Bích nắm 16,123%.
Tuy nhiên đến ngày 22/9/2022, vốn điều lệ đăng ký của Tân Hiệp Phát bất ngờ được điều chỉnh giảm về còn 276 tỷ với tỷ lệ sở hữu của các cá nhân trong gia đình ông Thanh không thay đổi.
Ông Trần Quí Thanh là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tân Hiệp Phát trong khi bà Phạm Thị Nụ nắm vai trò là Chủ tịch HĐTV kiêm cổ đông sáng lập Tân Hiệp Phát.
Chương trình The Successors do kênh truyền hình Channel NewsAsia thực hiện năm 2018 từng tiết lộ, Tân Hiệp Phát có khoảng 4.000 công nhân viên và thu về khoảng 500 triệu USD doanh thu mỗi năm.
Giai đoạn 1995 - 2009, Tân Hiệp Phát liên tục mở rộng thị trường kinh doanh, đưa ra nhiều sản phẩm nổi tiếng vào thị trường nước giải khát Việt Nam song phải đến năm 2009, Tân Hiệp Phát mới thực sự ghi dấu ấn trên thị trường nước giải khát Việt Nam khi các thương hiệu nước tăng lực Number 1, trà thảo mộc Dr. Thanh, trà xanh Không Độ hiện diện trên kệ hàng ở khắp vùng nông thôn Việt Nam. Theo số liệu từ công ty nghiên cứu Euromonitor International, Tân Hiệp Phát bán được khoảng 510 triệu lít đồ uống vào năm 2019.
Theo bảng xếp hạng VNR500, doanh thu năm 2011 của doanh nghiệp nước giải khát này vào khoảng 6.000 tỷ đồng. Năm 2019, chỉ riêng nhà máy tại Bình Dương, Tân Hiệp Phát đã ghi nhận doanh thu đạt 5.850 tỷ đồng cùng mức lãi sau thuế 1.554 tỷ.
Bà Trần Uyên Phương - Phó Giám đốc Tân Hiệp Phát được chọn là “người kế nghiệp” công ty sẽ lĩnh xướng việc thực hiện mục tiêu đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2030.
Doanh thu và lợi nhuận lớn nhưng Tân Hiệp Phát lại là công ty gia đình nên gia tộc Trần Quí Thanh được giới kinh doanh khu vực phía Nam mệnh danh là “vua tiền mặt”.
Thị trường chứng khoán ảnh hưởng ra sao?
Xoay quanh việc cha con ông Trần Quí Thanh bị bắt, dư luận đặt ra câu hỏi liệu thông tin này có gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, ông Thanh và các cá nhân có liên quan có nắm quyền chi phối doanh nghiệp niêm yết nào trên sàn?
Trong báo cáo phân tích vừa công bố, AzFin Việt Nam đánh giá Tập đoàn Tân Hiệp Phát hiện chưa niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam dù là một doanh nghiệp lớn. Cùng với đó, công ty có tài chính khá lành mạnh nên có ít quan hệ vay với các ngân hàng.
Tân Hiệp Phát cũng không liên quan đến vấn đề trái phiếu (so được mệnh danh là vua tiền mặt) đồng thời cũng không sở hữu cổ phần lớn tại các doanh nghiệp niêm yết lớn nào.
Tháng 6/2017, ông Thanh từng tham gia vào HĐQT của CTCP Địa ốc Sài Gòn và sở hữu 478.482 cổ phiếu của doanh nghiệp này. Trong khi đó, bà Trần Uyên Phương từng là cổ đông lớn tại CTCP Tập đoàn Yeah1 (sàn HOSE) khi có thời điểm sở hữu gần 6,9 triệu cổ phiếu YEG (tỷ lệ 22,56% vốn) song sau loạt động thái bán ra, tại thời điểm 22/5/2022 cá nhân này chỉ còn sở hữu 262.624 cổ phiếu YEG - tương đương 0,86% vốn.
Diễn biến giá cổ phiếu YEG
Về phần Tập đoàn Yeah1, hiện doanh nghiệp truyền thông này hiện không còn là tên tuổi dậy sóng trong những tháng đầu sau niêm yết (năm 2018) khi thị giá từng có thời điểm đứng mức 343.000 đồng/cổ phiếu. Những tác động của mã trên thị trường chung gần như không đáng kể.
Vì điều này, AzFin Việt Nam cho rằng sự việc vừa xảy ra tại Tân Hiệp Phát sẽ không có tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên trong giai đoạn vẫn chưa hết nhạy cảm từ các vụ án bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm trong năm 2022, việc khởi tố và bắt tạm giam cha con ông Trần Quí Thanh sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến những nhà đầu tư "nhạy cảm với thông tin".
"Sân chơi" địa ốc bị tác động thế nào?
Dù mới chỉ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản năm 2018 song gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã sở hữu quỹ đất trải dài khắp các tỉnh thành phía Nam.
Giai đoạn 2018 – 2019, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát từng gây chú ý khi thành lập hơn 20 công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản với tổng vốn điều lệ lên đến 20.000 tỷ đồng.
Đỉnh điểm năm 2019, chỉ trong vòng một tuần, vợ ông Trần Quí Thanh và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đã thành lập 10 công ty địa ốc. Mỗi công ty có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Bà Trần Uyên Phương thường nắm 99,9% vốn tại các công ty này. Phần vốn góp ít ỏi còn lại do bà Trần Ngọc Bích và bà Phạm Thị Nụ nắm giữ.
Chỉ ít tháng sau khi thành lập, 10 công ty bất động sản bất ngờ giải thể với cùng lý do “không có dự án để đầu tư, phát triển và việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả”.
Trong hơn 20 công ty, hiện chỉ còn một số ít công ty còn hoạt động. Đơn cử như CTCP Đầu tư Century Bay Đà Nẵng (Century Bay Đà Nẵng) do bà Trần Uyên Phương đại diện pháp luật.
Century Bay Đà Nẵng là chủ sử dụng 2 khu “đất vàng” tổng diện tích gần 15.000 m2 tại phường An Hải Bắc (Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Do chậm đưa đất vào sử dụng, tháng 3/2022, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng yêu cầu Century Bay Đà Nẵng thực hiện cam kết triển khai thủ tục để xây dựng dự án, trường hợp vi phạm sẽ thu hồi đất.
Một doanh nghiệp khác là Bất động sản Song Thanh - doanh nghiệp đang triển khai dự án khu phức hợp Suntory Bay nằm trên đường Bạch Đằng (Hải Châu, TP. Đà Nẵng) với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Tại TP. HCM, năm 2018, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã bỏ ra 163 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 8 lô “đất vàng” từ một cá nhân.
Hiện các bất động sản của doanh nghiệp này trải khắp các tỉnh thành song vẫn tập trung chủ yếu tại TP. Đà Nẵng, TP. HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoài tích lũy các khu “đất sạch” để không phải giải phóng mặt bằng, chiến thuật thu gom quỹ đất của gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát còn đến từ việc tham gia các cuộc đấu giá đất.
Giai đoạn 2017 – 2020, trong 9 khu đất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bán đấu giá thành công, có 3 khu đất về tay ông Thanh và con gái Trần Ngọc Bích (gồm khu đất 18.166 m2 tại phường 10, TP. Vũng Tàu - giá trúng là 394 tỷ đồng; khu đất 9.995 m2 tại huyện Côn Đảo được thông báo thuộc về bà Trần Ngọc Bích khi trả giá 80,1 tỷ đồng; khu đất 20.040 m2 tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ - bà Bích trúng giá 170 tỷ đồng).
Nhiều nghi vấn nhất là cuộc đấu giá khu đất 79.482 m2 khu An Hải – An Hội, huyện Côn Đảo diễn ra vào ngày 25/12/2019 (giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng và chỉ có bà Trần Ngọc Bích và một người khác tham gia đấu giá).
Bà Trần Ngọc Bích - con gái ông Trần Quí Thanh |
Bà Trần Ngọc Bích được công khai trúng giá khi trả cao hơn đối thủ 100 triệu đồng - (giá trúng là hơn 537,3 tỷ đồng). Đáng nói qua thẩm định, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định hai cá nhân tham gia đấu giá có sự trùng hợp về thời gian, địa điểm xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, cam kết cấp tín dụng của ngân hàng; trùng khớp về địa điểm công chứng uỷ quyền tham gia đấu giá.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao cơ quan công an phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thẩm tra mối quan hệ giữa 2 pháp nhận tham gia đấu giá, trực tiếp đấu giá. Đến nay, vẫn chưa có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá khu đất này cho bà Trần Ngọc Bích.
Có thể thấy, dù sở hữu khá nhiều lô đất song về cơ bản, phần lớn trong số này đều chưa hình thành dự án, rủi ro hủy động vốn từ khách hàng không đáng kể trong bối cảnh tiềm lực tài chính của gia đình lãnh đạo Tân Hiệp Phát là tương đối ổn định. Việc 3 cha con ông Trần Quí Thanh bị bắt có thể không gây quá nhiều ảnh hưởng cho thị trường địa ốc hiện tại (nhất là khu vực phí Nam).