Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở Hà Giang

(CL&CS) - Nền văn hóa của người Mông rất đa dạng, phong phú, thể hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập cùng sự phát triển về đời sống kinh tế, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông đứng trước nguy cơ mai một.

Người Mông có nền văn hóa đa dạng, phong phú

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, người dân tộc Mông chiếm trên 34% dân số toàn tỉnh, gồm 4 nhánh: Mông trắng, Mông xanh, Mông đen và Mông hoa, sống chủ yếu ở các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ và một số huyện phía Tây. Nền văn hóa của người Mông rất đa dạng, phong phú, thể hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Người Mông nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác. Sản xuất thủ công của đồng bào Mông đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc.

Trang phục của phụ nữ dân tộc Mông (Ảnh: Báo Hà Giang)

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông rất độc đáo. Một bộ nữ phục bao gồm váy, áo cánh, áo xẻ ngực có yếm lửng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp... Váy thường là hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng, cũng có khi là váy ống, khi mặc xếp ở hai bên hông.

Nhà của người Mông làm bằng đất, có 3 gian, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Các cửa chính và cửa phụ đều mở về phía trong.

Văn hoá truyền thống người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng. Các dòng họ người Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau.

Một số lễ cúng chính như cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng.

Văn học nghệ thuật Mông thể hiện tâm lý, ý thức của cộng đồng, các vấn đề về tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đèn môi, kèn lá. Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân lợn... màu sắc hài hoà. Tất cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông được lưu giữ từ lâu đời.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập cùng sự phát triển về đời sống kinh tế làm cho một số đồng bào dân tộc Mông có xu hướng đánh mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Do sự du nhập, tác động của một vài tôn giáo không chính thống, một bộ phận đồng bào người Mông đã tin theo tín ngưỡng mới, bỏ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dẫn đến nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Bên cạnh đó, trong cộng đồng người Mông vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như: Người chết chưa đưa vào áo quan khi làm tang ma, giết mổ nhiều gia súc, truyền thống tổ chức đám tang dài ngày; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra; một số nghi lễ trong cúng bái còn rườm rà là gây lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người dân. 

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã xây dựng kế hoạch chi tiết phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Mông trước nguy cơ mai một như: Lễ hội Gầu Tào (huyện Yên Minh, Đồng Văn), nghề dệt Lanh (huyện Quản Bạ), tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ). Đồng thời, mở các lớp truyền dạy kỹ thuật chế tác khèn, kỹ năng thổi và múa khèn Mông tại các huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Xín Mần...

Lễ hội Gàu Tào ở Đồng Văn.

Một số di sản văn hóa phi vật thể đã được lập hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Lễ hội Gầu Tào; Nghệ thuật Khèn Mông; Dệt lanh, thêu hoa văn xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ).

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền cho bà con người Mông hiểu được cần phải tiếp tục giữ nhà ở trình tường, trang phục và tiếng nói; phải thờ cúng tổ tiên, không theo đạo trái pháp luật, không mê tín dị đoan, không tổ chức cúng ma khi nhà có người bị ốm đau; đón Tết của người Mông trùng với Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam; đưa người chết cho vào quan tài và làm tang ma không quá 48 tiếng và không mổ quá nhiều gia súc; tổ chức thực hiện tốt việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân và vận động người Mông chôn cất đúng nơi quy định.

Đồng thời, bảo tồn, khôi phục văn hóa dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch thông qua các “Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông”. Tổ chức dạy múa cho các cháu trong trường học, dùng nhạc cụ Mông và lồng ghép tuyên truyền về việc cần phải xóa bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu để các cháu nhận thức, về tuyên truyền với với những người thân trong gia đình, dòng họ. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá sẽ tổ chức giới thiệu các món ăn của người Mông đến nhân dân và khách du lịch biết đến nhiều hơn. Nếu làm được như vậy, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riêng sẽ ngày càng tiến bộ và văn minh trong thời gian tới.

Việc bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị đặc trưng văn hóa dân tộc Mông đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp có nguy cơ mai một, thất truyền. Không những vậy, một số nét văn hóa đặc trưng dân tộc Mông được bảo tồn, coi trọng đã tác động lớn đến hệ tư tưởng, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào Mông trong việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa; đồng thời là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

TIN LIÊN QUAN