Bằng cách này, Sabeco tăng gấp rưỡi lợi nhuận dù doanh thu giảm

(CL&CS) - Mặc dù lợi nhuận giảm sâu nhưng Sabeco vẫn có cách khiến lợi nhuận quý 4/2020 tăng gấp rưỡi, lên hơn 1.500 tỷ đồng.

2020 là năm nhiều thử thách với toàn nền kinh tế. Cùng với hàng không, du lịch, bia trở thành một trong những ngành chịu nhiều áp lực. Ngành bia gặp khó vì Covid-19 và Nghị định 100. Khó khăn đó được thể hiện qua doanh thu của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) giảm sâu.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 mới được công bố của Sabeco cho thấy doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2020 của Sabeco chỉ đạt 7.905 tỷ đồng, giảm 1.907 tỷ đồng, tương đương 19,4% so với quý 4/2019; luỹ kế cả năm đạt 28.136 tỷ đồng, giảm 9.998 tỷ đồng, tương đương 26,2% so với năm 2019.

Doanh thu giảm sâu nhưng Sabeco vẫn lãi đậm nhờ cắt giảm tất cả các chi phí hoạt động.

Giải thích về đà giảm của doanh thu, Sabeco cho biết: “Doanh thu đang dần phục hồi từ đại dịch Covid – 19 nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái trước tác động của bão và lũ lụt”.

Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng vọt. Theo Sabeco, đó là do công ty kiểm soát chặt chẽ chi phí.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 4/2020 của Sabeco đạt 1.534 tỷ đồng, tăng 443 tỷ đồng, tương đương 40,6% so với quý 4/2019; luỹ kế cả năm đạt 4.937 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 5.053 tỷ đồng của năm 2019.

Có được điều này khi Sabeco mạnh tay cắt giảm các chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 377 tỷ đồng, tương đương 72,9% so với quý 4/2019 xuống 140 tỷ đồng; luỹ kế cả năm giảm từ 1.048 tỷ đồng xuống 702 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng giảm 150 tỷ đồng, tương đương 16,6% xuống 754 tỷ đồng; luỹ kế cả năm giảm 144 tỷ đồng, tương đương 4,8% so với cả năm 2019. Chi phí tài chính giảm sâu từ 98 tỷ đồng xuống 42 tỷ đồng.

Có thể thấy, Sabeco là một trong những ông lớn mạnh tay cắt giảm tất cả các chi phí hoạt động nhiều nhất.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/1, cổ phiếu SAB của Sabeco dừng ở mức 186.800 đồng/CP. So với phiên cuối cùng của năm 2020, SAB đã giảm 8.200 đồng/CP, tương đương 4,2%. Vốn hoá thị trường của Sabeco vì thế mà hao hụt 5.259 tỷ đồng xuống gần 120.000 tỷ đồng.

Dù vậy, Sabeco vẫn đứng ở vị trí 11 trong danh sách các công ty niêm yết có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mới đây, SSI Research đã công bố báo cáo triển vọng ngành bia năm 2021. SSI Research đánh giá ngành bia rất nhạy cảm với đại dịch. Nếu năm 2019, kênh phân phối tiêu dùng tại chỗ (on premise) chiếm khoảng 70% tổng lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam; thì sang năm 2020, kênh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giãn cách xã hội. Đà phục hồi sẽ tiếp tục, nhưng nhu cầu dự báo sẽ chỉ trở lại mức trước Covid-19 vào năm 2022 mà không phải 2021.

SSI Research đánh giá cạnh tranh ngày càng gay gắt đang diễn ra trong ngành. Bất chấp đại dịch, các thương hiệu bia vẫn hoạt động tích cực vào năm 2020 bằng cách tung ra một số sản phẩm mới. Heineken giới thiệu Heineken 0.0 tại thị trường Việt Nam, như một phản ứng nhanh đối với Nghị định 100.

Theo SSI Research, các công ty bia đã đẩy mạnh sự hiện diện ở tất cả các phân khúc. Trong đó, SAB xuất hiện ở phân khúc cận cao cấp với Saigon Chill (vào tháng 10/2020) và Lạc Việt (phân khúc tiết kiệm, vào tháng 6), trong khi Đại Việt được Heineken giới thiệu vào tháng 4 để cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ hơn.

SSI Research dẫn thông tin từ Euromonitor, hai công ty lớn nhất là Sabeco và Heineken tiếp tục giành thêm thị phần trong những năm gần đây, trong đó Heineken dường như gia tăng thị phần nhanh hơn.