Bàn giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam

(CL&CS)- Sáng 23/10 tại Hà Nội, Uỷ Ban Kiểm tra Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới”.

Sáng 23/10 tại Hà Nội, Uỷ Ban Kiểm tra Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới” dưới sự chủ trì của PCT kiêm Chủ nhiệm UBKT LHHVN Phạm Quang Thao và UV UBKT, Chủ tịch hội Vệ sinh an toàn lao động Lê Văn Trình.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PCT kiêm Chủ nhiệm UBKT LHHVN Phạm Quang Thao nói, LHHVN là một hệ thống gồm các hội thành viên (Liên hiệp hội địa phương, hội ngành toàn quốc) và các tổ chức KH&CN trực thuộc). LHHVN ở Trung ương là cơ quan tham mưu cho Hội đồng Trung ương, Đoàn Chủ tịch, được coi như trung tâm điều hành toàn bộ hệ thống LHHVN. Theo đó, công tác kiểm tra của LHHVN được triển khai hoạt động như một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN.

Ông Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch kiêm Chủ nhiệm UBKT LHHVN 

Trong tình hình mới, đòi hỏi LHHVN phải đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của các hội trí thức từ trung ương đến địa phương thuộc LHHVN, theo đó công tác kiểm tra cần phải được hoàn thiện. Chính vì lẽ đó, Ủy ban Kiểm tra LHHVN tổ chức hội thảo “Đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới”

Các giải pháp đưa ra cần được gắn với bối cảnh nền kinh tế số, nền kinh tế tri thức và đặc biệt là các văn bản ban hành gần đây về LHHVN, Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố (Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương) nhằm xây dựng một mô hình mới hoạt động hiệu quả và phù hợp với tình hình mới - PCT kiêm Chủ nhiệm UBKT LHHVN Phạm Quang Thao nhấn mạnh.

Tại hội thảo, trên cơ sở các văn bản và thực tiễn diễn ra, Phó Chủ nhiệm UBKT LHHVN Ngô Thanh Quý đã thay mặt nhóm nghiên cứu tổng hợp khái quát mô hình công tác kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra của LHHVN từ trước tới nay theo 5 chiều cạnh: Đối tượng kiểm tra bao gồm tập thể, tổ chức và cá nhân thuộc, Hội thành viên,  Tổ chức KH&CN trực thuộc và đơn vị trực thuộc khác như cơ quan báo, tạp chí, nhà xuất bản, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam; Cơ quan LHHVN, cá nhân là ủy viên Hội đồng Trung ương.

Về nội dung kiểm tra được xác định rõ rang, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm việc chấp hành Điều lệ và Quy chế hoạt động của LHHVN; việc thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu toàn quốc, các hội nghị Hội đồng Trung ương và Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương; kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của LHHVN; Hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của Ban Kiểm tra của các hội thành viên; giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

Bà Ngô Thanh Quý, Phó Chủ nhiệm UBKT LHHVN 

Phạm vi nội dung kiểm tra được thực hiện theo những nội dung quy định trong Điều lệ, Quy chế hoạt động và các văn bản quy định khác của LHHVN và quy định pháp luật liên quan; Phạm vi không gian: trong hệ thống LHHVN; Phạm vi thời gian, mốc thời gian kiểm tra tùy thuộc vào mục đích của từng cuộc kiểm tra.

 Quy trình kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra đã ban hành Quy trình kiểm tra, khiếu nại, tố cáo.

Cơ cấu tổ chức và sự vận hành bộ máy của UBKT LHHVN theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác kiểm tra; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Đảng đoàn LHHVN về công tác kiểm tra; sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra về công tác kiểm tra đối với Ban Kiểm tra của hội thành viên; việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra của Ủy ban Kiểm traLHHVN.

Theo UV UBKT LHHVN, Chủ tịch hội Vệ sinh an toàn lao động Lê Văn Trình, một cuộc kiểm tra của LHHVN có chất lượng, hiệu quả là phải giúp cho tổ chức, đơn vị, hội thành viên được kiểm tra nêu cao ý thức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra khuyết điểm, vi phạm; tổ chức đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Không thể cho là kiểm tra có chất lượng, hiệu quả khi sau kiểm tra lại phát sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, làm khó khăn, phức tạp thêm việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị và hội thành viên...

Ông Lê Văn Trình, UV UBKT LHHVN, Chủ tịch hội Vệ sinh an toàn lao động 

Vì vậy, theo ông Lê Văn Trình để phục vụ cho công tác kiểm tra của UBKT LHHVN hiệu quả trong tình hình mới phải xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra của LHHVN. Có thể hiểu: Chỉ tiêu đánh giá chất lượng, hiệu quả kiểm tra là dấu hiệu, tính chất mà dựa vào đó có thể nhận biết, đánh giá được chất lượng, hiệu quả kiểm tra của UBKT LHHVN là tốt hay chưa tốt, đạt hay chưa đạt mục tiêu, yêu cầu. Để đánh giá chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra LHHVN phải dựa vào 06 chỉ tiêu chủ yếu: Mục đích, yêu cầu của kiểm tra: Xây dựng kế hoạch; xác định nội dung, phương pháp tiến hành, phân công tổ chức, cá nhân thực hiện; Việc thực hiện thủ tục, quy trình, các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra: Kết quả phát hiện, xử lý qua kiểm tra: Kết quả phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm sau kiểm tra; Tác động và tác dụng của cuộc kiểm tra của LHHVN.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra của Liên hiệp hội phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát thực tiễn, phát huy tối đa vai trò của công tác kiểm tra trong việc nâng cao vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đội ngũ trí thức; thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức, phát triển tổ chức, phát triển hội viên; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức.

Để hoạt động kiểm tra Liên hiệp hội địa phương được thuận lợi, đạt được mục tiêu, hiệu quả theo Điều lệ và Quy chế hoạt động của Ban chấp hành Liên hiệp hội trong nhiệm kỳ, có cơ sở hoàn thiện công tác kiểm tra trong hệ thống của LHHVN trong tình hình mới. LHHVN  Phối hợp với Bộ Nội Vụ đề xuất cho Chính phủ, Bộ ngành liên quan cụ thể hóa Chỉ thị, Nghị quyết, kết luận,... của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí pháp lý của Liên hiệp hội với hội thành viên, chế độ chính sách,.. để thực hiện đồng bộ, thống nhất trong hệ thống từ Trung ương đến địa phương…

TIN LIÊN QUAN