Bài học rút ra từ những vụ cháy chung cư: Đồ vật cần có trong nhà để bảo toàn mạng sống

Hàng loạt vụ cháy gần đây tại Hà Nội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác PCCC tại các nhà trọ, chung cư mini cũng như những kỹ năng cá nhân của mỗi người trong một vụ cháy.

Rạng sáng hôm nay, một vụ cháy tại ngõ 119 Trung Kính đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Hàng loạt vụ cháy gần đây tại Hà Nội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác PCCC tại các nhà trọ, chung cư mini cũng như những kỹ năng cá nhân của mỗi người trong một vụ cháy.

Hiện trường vụ cháy rạng sáng hôm nay tại ngõ 119 Trung Kính (Ảnh: Báo Lao động)

Dưới đây là 6 điều cần nhớ cho cư dân sinh sống tại chung cư cao tầng khi có cháy:

1. Khi phát hiện có cháy, đầu tiên là mọi người cần phải bình tĩnh, không nên hoảng loạn mà cần xác định được lối thoát hiểm an toàn. Hãy đi bằng thang bộ, tuyệt đối không được sử dụng thang máy bởi trong đám cháy, thang máy có thể dừng hoạt động và trở thành một cái bẫy chết người. Trước khi vào cầu thang, hãy kiểm tra trước xem có khói không.

2. Sau đó, chúng ta cần mang theo chăn hoặc khăn đã nhúng nước và nhanh chóng chạy vào thang bộ thoát hiểm để di tản. 

Nếu khói bốc lên từ phía dưới, hãy cúi thấp người và di chuyển lên sân thượng. Trong quá trình này, nếu gặp nhiều khói, hãy nằm áp sát mặt đất nhất có thể, dùng khăn ướt che mũi và đi sát tường để dò đường. 

3. Xác định vị trí thang dây hoặc ống trượt tại hành lang chung cư. Trong trường hợp khẩn cấp, nếu cửa sổ không bị cháy, sử dụng thang dây hoặc ống trượt để thoát xuống đất. Trước khi đu dây, hãy quấn khăn hoặc áo nhúng nước quanh lòng bàn tay để tránh bị nóng do ma sát. Nếu gia đình chưa có thang dây, hãy trao đổi với ban quản trị và chuẩn bị sẵn để sử dụng khi cần thiết.

4. Nếu lửa và khói đã bao trùm bên ngoài và không thể thoát ra, hãy trở lại phòng, đóng kín cửa, dùng chăn hoặc khăn nhúng nước để chặn các khe cửa, giảm lượng khói tràn vào nhà, tăng cơ hội sống sót. Đồng thời, mở hết các vòi nước trong nhà và chặn lại để nước tràn ra. Trong lúc này, hãy nhúng khăn ướt và bịt lên đầu và mũi để duy trì oxy trong khi chờ cứu hộ đến. Hãy mở hé cửa sổ để khói thoát ra ngoài. Đừng đập vỡ cửa sổ vì bạn có thể cần phải đóng nó lại nếu có khói ở bên ngoài.

Nếu cần phải mở cửa, hãy kiểm tra tay nắm cửa bằng mu bàn tay, nếu cửa nóng, không mở cửa vì có thể có lửa phía bên kia; nếu cửa không nóng, mở từ từ để kiểm tra có khói hoặc lửa bên kia không. 

5. Trong trường hợp khẩn cấp cuối cùng, bạn có thể dùng rèm cửa, khăn, chăn tạo thành dây thoát nạn. Trước khi đu xuống, hãy quấn khăn nhúng nước quanh tay để tránh ma sát. Đảm bảo dưới đất có người ứng cứu sẵn sàng. Phương pháp này chỉ nên áp dụng khi không còn lối thoát nào khác, lửa đã tới gần và bạn có kỹ năng thắt nút dây.

6. Hãy nhớ rằng trong những trường hợp khẩn cấp, tài sản có thể thay thế nhưng tính mạng thì không. Việc cố gắng cứu tài sản có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm không đáng có.

Những đồ vật cần thiết nên chuẩn bị sẵn trong nhà:

Các dụng cụ như mặt nạ phòng độc, bình cứu hoả và thang dây là những phương tiện quan trọng giúp bảo vệ tính mạng trong tình huống đám cháy. Dưới đây là công dụng và cách sử dụng của từng loại dụng cụ:

Mặt nạ phòng độc

Mặt nạ phòng độc giúp bảo vệ hô hấp, ngăn không cho khói độc và các hạt bụi nguy hiểm xâm nhập vào đường hô hấp. Một số loại mặt nạ có thể cung cấp oxy để duy trì hơi thở trong môi trường có khí độc.

Cách sử dụng:

  • Đặt mặt nạ đúng cách: Đảm bảo mặt nạ ôm sát kín mặt, không có khoảng trống nào để khí độc có thể xâm nhập vào. Dùng dây đai cố định mặt nạ với mặt, bỏ các đồ vật làm cản trở việc đeo mặt nạ như trang sức, khăn,....
  • Thực hiện kiểm tra trước khi sử dụng: Kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo mặt nạ hoạt động tốt và không có hỏng hóc nào.
  • Ngoài ra, mọi người cũng cần lựa chọn những loại mặt nạ phòng độc được sản xuất ở những nơi uy tín và bảo quản mặt nạn nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

Bình cứu hoả

Hãy sử dụng để dập tắt những đám cháy nhỏ trước lửa khi lan rộng. Bình cứu hoả cũng có thể dùng để tạo ra lối thoát an toàn cho việc thoát ra khỏi khu vực cháy.

Cách sử dụng:

  • Nhận biết loại lửa: Xác định loại lửa trước khi sử dụng bình cứu hoả để chọn loại chất chữa cháy phù hợp. Những chữ loại A, B, C trên bình thể hiện khả năng dập tắt đám cháy của bình chữa cháy đối với những đám cháy khác nhau. Cụ thể:

    + A: Chữa các đám cháy chất rắn như: kim loại, gỗ…

    + B: Chữa những đám cháy chất lỏng như: xăng dầu, cồn, rượu…

    + C: Chữa các đám cháy chất khí khí đốt hoá lỏng như gas

  • Tiến lại gần ngọn lửa với bình cứu hỏa nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn. Trong quá trình di chuyển, lắc bình lên xuống hoặc dốc ngược để trộn đều bột khô bên trong. Tiếp theo, rút chốt an toàn và hướng loa phun về đám cháy với một tay, trong khi tay còn lại bóp mạnh cụm van xả để bột xịt vào trọng tâm của ngọn lửa. Lặp lại quá trình xịt và quét cho đến khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Thang dây

Thang dây dùng để thoát ra khỏi tòa nhà khi không còn lối thoát nào khác.

Cách sử dụng: 

  • Lựa chọn vị trí thoát hiểm, đảm bảo an toàn cho người thoát hiểm. Vị trí này cần đảm bảo giúp những người dân đến vị trí an toàn nhanh nhất.
  • Tìm vị trí để mắc chặt, cố định móc của thang rồi từ từ thang dây xuống
  • Thang dây thoát hiểm có thể chịu trọng tải khá lớn (từ 400-3.500kg) nên có thể xuống nhiều người cùng một lúc.

Lưu ý rằng việc sử dụng các dụng cụ này cần được huấn luyện trước để biết cách sử dụng một cách hiệu quả và an toàn trong tình huống khẩn cấp.

TIN LIÊN QUAN