Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh đều được đánh giá cao về chất lượng, không chỉ tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước mà còn trở thành lựa chọn hàng đầu của khách du lịch, kiều bào khi tìm kiếm quà biếu, quà tặng.
Các sản phẩm OCOP đều được đánh giá cao về chất lượng
Những đặc sản đặc trưng của Bạc Liêu như bánh phồng tôm, khô tôm đất, khô tôm thẻ, tôm sú ép, khô cá sặc bổi, tổ yến… ngày càng khẳng định thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Để hỗ trợ phát triển thị trường, tỉnh đã xây dựng nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã và thành phố Bạc Liêu, đồng thời tích cực kết nối giao thương thông qua các hội chợ, hội nghị, lễ hội trong và ngoài tỉnh.
Một trong những kênh tiêu thụ hiệu quả nhất của sản phẩm OCOP chính là thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch. Tại các hội chợ, lễ hội, hội nghị xúc tiến thương mại du lịch diễn ra trên cả nước, các chủ thể OCOP Bạc Liêu có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác tiêu thụ, mở rộng mạng lưới phân phối. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu và phát triển sản xuất bền vững.
Việc quảng bá sản phẩm OCOP thông qua du lịch không chỉ giúp du khách dễ dàng tiếp cận các sản phẩm đặc sản mà còn kích thích nhu cầu mua sắm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ngay tại các điểm du lịch. Để tận dụng tốt lợi thế này, tỉnh Bạc Liêu đang đẩy mạnh việc lồng ghép quảng bá sản phẩm OCOP vào các sự kiện văn hóa, du lịch. Nhờ đó, không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm địa phương mà còn góp phần khẳng định thương hiệu OCOP Bạc Liêu trên bản đồ đặc sản Việt Nam.
Tỉnh Bạc Liêu lần đầu tiên tổ chức Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ kết hợp hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại và sản phẩm OCOP năm 2025 với chủ đề “Hương vị quê hương”. Sự kiện kéo dài từ ngày 18 - 25/2 tại tuyến đường 30/4 (khu vực Bia Khám lớn, phường 3,TP. Bạc Liêu). Ngày hội không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống mà còn tạo cơ hội để địa phương quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Sự kiện quy tụ 209 đơn vị đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trong tỉnh, với hơn 200 gian hàng trưng bày và giới thiệu đa dạng sản phẩm. Trong đó, khu vực trưng bày sản phẩm OCOP thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan. Các gian hàng giới thiệu những đặc sản tiêu biểu của tỉnh, như bánh phồng tôm, khô tôm đất, khô cá sặc bổi, tổ yến… Đây đều là các sản phẩm OCOP được đánh giá cao về chất lượng, được khách du lịch và kiều bào tin tưởng chọn làm quà biếu sau mỗi chuyến thăm quê hương Bạc Liêu.
Việc quảng bá sản phẩm OCOP tại các sự kiện xúc tiến du lịch như Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp nhiều chủ thể tìm kiếm được đối tác kinh doanh lâu dài. Thông qua các gian hàng trưng bày, du khách không chỉ được thưởng thức những đặc sản vùng miền mà còn có cơ hội tìm hiểu về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm OCOP. Điều này không chỉ kích thích nhu cầu mua sắm mà còn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển và gia tăng lợi nhuận.
Theo ông Trần Văn Mậu, Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu, việc lồng ghép quảng bá sản phẩm OCOP vào các hoạt động văn hóa, du lịch không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm địa phương mà còn giúp lan tỏa thương hiệu OCOP của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là hướng đi bền vững để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Bạc Liêu trong lĩnh vực du lịch và thương mại.