Ba kịch bản tăng trưởng quý 4 và cả năm 2023

(CL&CS) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng quý 4 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo ba kịch bản tăng trưởng quý 4 và cả năm 2023 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023. (Ảnh: VGP)

Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp.

Bộ cập nhật ba kịch bản tăng trưởng quý 4 và cả năm 2023.

Ở kịch bản 1, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội  (GDP) cả năm khoảng 5%, quý 4 cần tăng 7% (quý 4 năm 2022 tăng 5,92%).

Với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý 4 cần tăng 8,8%.

Ở kịch bản cao nhất, GDP cả năm khoảng 6%, quý 4 cần tăng 10,6%.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng quý 4 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm.

Thứ nhất, chuẩn bị chu đáo, tổ chức thực hiện các công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương 8, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Thứ hai, tập trung tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, ngành, địa phương các giải pháp, chính sách đã ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư.

Thứ ba, tập trung thúc đẩy thị trường trong nước. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.

Thứ tư, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, tranh thủ cơ hội xuất khẩu từ FTA đã ký kết, đẩy nhanh đàm phán đã ký kết...

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

TIN LIÊN QUAN