“Át chủ bài” Vocarimex của Kido

(NTD) - Năm 2017, việc CTCP Tập đoàn Kido chính thức thâu tóm 2 doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn đã làm thay đổi phần nào cục diện thị trường ngành dầu ăn Việt Nam.

Ngành dầu ăn ai cũng muốn ăn

Ngành dầu ăn tại Việt Nam vẫn luôn được giới chuyên gia nhìn nhận và đánh giá còn rất tiềm năng với dư địa lớn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo đánh giá từ Bộ Công thương, hiện nay tổng sản lượng sản xuất vẫn thấp hơn tổng sản lượng tiêu thụ. Để bảo đảm sức khỏe, trung bình mỗi người cần cung cấp đủ 13,5 kg dầu ăn/năm, trong khi đó, con số này tại Việt Nam chỉ mới vào khoảng 8 kg/người/năm. Mặc khác, xu hướng của người tiêu dùng đang dần chuyển từ dầu gốc động vật sang các sản phẩm dầu ăn có lợi cho sức khỏe, vì thế cơ hội để ngành dầu ăn phát triển lại càng được nới rộng. Theo dự đoán của Bộ Công thương và các doanh nghiệp sản xuất trong nước, mức tiêu thụ tại Việt Nam sẽ tăng lên 16 kg/người vào năm 2020 và 18 kg/người năm 2025.

Ghi nhận ý kiến từ phía Kido, thị trường dầu ăn đã đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2016 với mức giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Đối với mảng dầu ăn, dầu thực vật và dầu ép từ hạt vẫn chiếm vị trí lớn nhất, hơn 90%. Đồng thời, Kido nhận thấy người tiêu dùng ở các thành phố nhỏ và vùng nông thôn cũng bắt đầu chuyển sang dùng dầu thực vật và dầu hạt thay vì mỡ động vật. Trong danh mục nhiều sản phẩm khác nhau, dầu ôliu có mức tăng trưởng nhanh nhất nhờ vào kiến thức về dinh dưỡng của người tiêu dùng ngày một nâng cao, do vậy ngành dầu ăn được kỳ vọng trăng trưởng trung và dài hạn trong tương lai.

Thời gian vừa qua, ngành dầu ăn cũng đã chứng kiến sự tăng tốc đầu tư của các doanh nghiệp ngoại khi Tập đoàn Musim Mas (Singapore), một trong những nhà sản xuất dầu thực vật lớn thế giới, đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 71,5 triệu USD có công suất thiết kế tối đa là 1.500 tấn/ngày. Thông qua công ty phân phối của mình là Công ty TNHH ICOF Vietnam, Musim Mas đã đem đến cho thị trường Việt Nam những sản phẩm dầu ăn cao cấp.

Tập đoàn Wilmar, một công ty dầu thực vật khác của Singapore, đã đạt được thỏa thuận mua 45% cổ phần của Công ty Bunge hiện có một nhà máy ép dầu đang hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2011, có công suất hơn 3.000 tấn/ngày. Thương vụ này cho thấy khả năng Wilmar sẽ cho ra một sản phẩm dầu ăn khác biệt hoàn toàn với Công ty dầu thực vật Cái Lân, nơi Wilmar đang hợp tác với Vocarimex sản xuất các thương hiệu dầu ăn Neptune, Simply, Meizan.

Bên cạnh đó, ngoài sự góp mặt của Kido thông qua việc thâu tóm TAC và Vocarimex thì Tập đoàn Sao Mai An Giang, chuyên về đầu tư bất động sản, đã bỏ ra 500 tỷ đồng để đầu tư nhà máy sản xuất dầu ăn chế biến từ mỡ cá tra, với thương hiệu dầu cá cao cấp Ranee. CTCP Quang Minh, một doanh nghiệp đa ngành cũng gia nhập thị trường dầu ăn với nhãn hiệu Mr Bean, Oilla, Soon Soon.

Tất cả đều đang thực hiện những kế hoạch giành “miếng bánh ngon” trên thị trường dầu ăn của Việt Nam.

Theo Kido, người tiêu dùng ở các thành phố nhỏ và vùng nông thôn cũng bắt đầu chuyển sang dùng dầu thực vật và dầu hạt thay vì mỡ động vật.
Theo dự đoán của Bộ Công thương, sản lượng tiêu thụ dầu ăn/người tại Việt Nam sẽ tăng lên 16 kg/người vào năm 2020 và 18 kg/người năm 2025.

Kido tung chiêu

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Thu cho biết, khó khăn của ngành dầu ăn không phải là đầu tư thêm nhà máy sản xuất mà là vùng nguyên liệu. Và hiện Việt Nam vẫn phải nhập nguyên liệu chủ yếu từ Malaysia và Indonesia với 90%.

Tuy nhiên, đối với Kido, một cái tên khá mới trong ngành dầu ăn, khó khăn này đã được giải quyết khi đi trước các đối thủ 1 bước. Đó là ký Bản ghi nhớ thỏa thuận với Tập đoàn Felda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo-Trans Logistics (ITL) vào ngày 22/6/2014 để thành lập liên doanh mới, tập trung vào việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu cọ ở thị trường Việt Nam.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kido, việc Kido hợp tác với FGV là một lợi thế lớn đối với doanh nghiệp này trong việc làm chủ vùng nguyên liệu sản xuất. Bởi lẽ, FGV của Malaysia là một trong những tập đoàn trồng và sản xuất dầu cọ lớn trên thế giới sẽ có vai trò hỗ trợ công ty liên doanh mới bảo đảm được nguồn cung nguyên liệu dầu cọ, trong khi đó ITL sẽ đóng góp cho liên doanh thông qua hệ thống dịch vụ logistics, mạng lưới vận tải rộng khắp.

Bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu, Kido đã ráo riết mua lại cổ phần của 2 doanh nghiệp dầu ăn lớn tại Việt Nam là TAC và Vocarimex. Trong đó, quân át chủ bài mà Kido nhắm tới trong suốt 3 năm qua là Vocarimex đã thuộc về tập đoàn này sau khi chính thức nâng sở hữu lên 51% vào tháng 5 vừa qua.

Một chuyên gia trong ngành cho biết, nếu sở hữu được cổ phần của Vocarimex, nhà đầu tư dễ dàng chi phối nguồn nguyên liệu và cả thị trường dầu ăn Việt Nam. Được biết, Vocarimex được ví như “ngọc trong đá” khi sở hữu cổ phần tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trên thị trường dầu ăn hiện nay; trong đó có 25% tại Cái Lân (Calofic), 27% tại Tường An, 49% tại Golden Hope Nhà Bè và 17,8% tại Dầu Thực Vật Tân Bình (Nakydaco) với doanh số 4.156 tỷ đồng trong năm 2016.

Ông Trần Lệ Nguyên cho biết, sau khi hoàn tất mục tiêu sáp nhập TAC và Vocarimex, tập đoàn sẽ trở thành một trong những công ty sản xuất dầu ăn lớn nhất tại Việt Nam, ước tính chiếm hơn 30% thị phần. Như vậy, cùng với việc hợp tác với FGV, Kido có thể vững chân với thế đứng đầu của ngành hàng dầu ăn ở thị trường trong nước, trực tiếp cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà.

 Ánh Hoa

 

 
Nên đọc