Sản phẩm có chất lượng cao, luôn tươi ngon, đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm
Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ, việc sản xuất rau ở nước ta có bước phát triển nhảy vọt cả về năng suất, sản lượng, chất lượng, quy mô, chủng loại. Nhiều mô hình trồng rau áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã được triển khai trên cả nước
Người dân luôn chú trọng các công đoạn làm đất, xuống giống, phun thuốc, bón phân được ghi chép vào sổ sách, đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi đưa sản phẩm rau ra thị trường. Nhờ vậy mà các sản phẩm rau củ quả luôn đạt chất lượng cao và tươi ngon, đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chất lượng tốt, rau luôn tươi ngon, đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng (ảnh V.C.)
Đến nay, gia đình ông Hoàng Văn Thủy (tổ 10, thị trấn Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng rau. Tuy nhiên, điều làm ông trăn trở là làm sao để sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, vươn xa trên thị trường. Năm 2018, sau khi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất rau an toàn, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, ông cùng với 8 hộ dân chuyên canh rau tham gia HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện.
Ông Thủy được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Giám đốc HTX, phụ trách kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Tuy nhiên, phải đến năm 2021, khi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ông mới cùng các thành viên trong HTX tìm được hướng đi đúng. Không chỉ được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống nhà lưới mà các thành viên HTX còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rau để phục vụ công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng.
Ông Thủy cho biết, trước khi tham gia mô hình, bà con chỉ nghĩ đơn giản, trồng trong nhà lưới thì được gọi là rau an toàn. Nhưng thực tế cho thấy, để có sản phẩm rau an toàn phải đảm bảo 4 tiêu chí về sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và nguồn nước. Vì vậy, trong quá trình canh tác, các thành viên HTX chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, thuốc bảo vệ thực vật sinh học lành tính, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học.
Từ 1 sào rau tham gia mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, đến nay, ông Thủy đã đầu tư nâng cấp lắp đặt hệ thống nhà kính toàn bộ 3,5 sào rau an toàn của gia đình với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Mặc dù có nhiều ưu điểm song vào mùa mưa, bên trong nhà lưới vẫn quá ẩm, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của vườn rau.
Trong khi đó, mô hình nhà kính khắc phục rất hiệu quả nhược điểm này. Độ ẩm trong đất được kiểm soát tốt nên quá trình gieo trồng không bị ảnh hưởng. Cây rau tách biệt hẳn với môi trường bên ngoài nên hạn chế sâu bệnh hại, tiết kiệm thời gian, công sức người lao động, giảm chi phí mua phân, thuốc, chất lượng sản phẩm lại được nâng cao.
Đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm
Việc mở rộng áp dụng các mô hình thành công trên diện rộng; rà soát, lựa chọn, định hướng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh Gia Lai đang được đẩy mạnh; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tương xứng, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, tỉnh Gia Lai cũng sẽ mở rộng quy mô, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng vật tư kỹ thuật nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, chất phụ gia, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản... Qua đó, tiến tới xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra những biện pháp cơ bản trong quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Trong đó, đưa ra khái niệm rau an toàn chỉ những sản phẩm rau tươi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng làm thực phẩm cho con người, có chất lượng đúng như đặc tính giống, hàm lượng hóa chất độc và mức độ nhiễm sinh vật gây hại dưới mức tiêu chuẩn cho phép đối với từng loại, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và môi trường.
Cùng với đó, Bộ cũng đã ban hành tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng trong cả nước. Trong đó, có 4 chỉ tiêu quan trọng (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dư lượng Nitrat trong rau, dư lượng hàm lượng kim loại nặng, dư lượng vi sinh vật) phải thấp hơn mức cho phép.
Cụ thể: Dư lượng thuốc BVTV thấp hơn 01/10 triệu (mg/1kg rau) đến 01/01 triệu; dư lượng Nitrat thấp hơn 05/01 vạn; dư lượng Hg thấp hơn mức cho phép là 5 phần tỉ; dư lượng chì, cadimi thấp hơn 01 phần triệu...). Chỉ tiêu về dư lượng vi sinh vật không được vượt quá mức cho phép (Ví dụ: Trong 25g rau, không có vi khuẩn Samonella, trong 01g rau chỉ được phép có 10 con E. coli... ).
Hiện nay, HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện có 1 ha rau của 9 thành viên. Các thành viên mạnh dạn đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống nhà lưới, nhà kính và tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Người dân cho biết, trước đây rau chủ yếu bán cho các thương lái hoặc tiểu thương tại chợ trên địa bàn. Khi tham gia HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện, được bao tiêu sản phẩm, gia đình họ đã bớt đi gánh nặng đầu ra, chỉ lo tập trung sản xuất rau đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc HTX Rau an toàn thị trấn Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, cho hay, việc sản xuất rau theo hướng hữu cơ trong nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân tại địa phương. Ngoài chứng nhận VietGAP, rau Phú Thiện được Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2 năm 2022-2023 đã cho thấy sản xuất rau an toàn là hướng đi đúng đắn, bền vững của HTX.
Thương hiệu sản phẩm rau của HTX luôn đảm bảo chất lượng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều này không những bảo vệ sức khỏe trực tiếp cho các thành viên HTX trong quá trình gieo trồng, chăm sóc mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng. Đây là điểm mạnh giúp sản phẩm rau an toàn có chỗ đứng trên thị trường và được thu mua với giá ổn định.
Nhu cầu sử dụng rau sạch, rau an toàn có chất lượng cao ngày càng được người dân quan tâm. Nhiều tổ chức kinh tế, hộ dân đã tự đầu tư hoặc thông qua các dự án hỗ trợ để sản xuất rau, quả an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo nhận định của các chuyên gia, rau trồng trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch, chất lượng cao hơn so với rau trồng bên ngoài. Nhà lưới từ các mô hình có thể sử dụng lâu dài, nhanh thu hồi vốn, giúp các hộ duy trì sản xuất rau an toàn hiệu quả, bền vững, có khả năng nhân rộng cao.
Thời gian tới, trên địa bàn thị trấn Phú Thiện nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, các ban ngành sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất rau truyền thống có cơ hội tiếp cận với những chính sách phát triển nông nghiệp của Trung ương và địa phương; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất rau an toàn, bền vững và phát triển kinh tế hiệu quả./