Đua nhau tăng trưởng
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 34,53 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022 và tăng tới 46% so với cùng kỳ năm trước (tương đương kim ngạch tăng thêm 10,89 tỷ USD).
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm trước, có tới 44/45 nhóm hàng chính được cơ quan Hải quan thống kê và công bộ định kỳ có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái (trừ dầu thô giảm 15,9%).
Trong đó, tăng trưởng ấn tượng đến từ các nhóm hàng chủ lực như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép các loại...
Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,58 tỷ USD, tăng 50,4% so tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này giúp điện thoại giành lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu (từ nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện). Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này là: Hoa Kỳ đạt 1,39 tỷ USD, tăng 112%; Trung Quốc đạt 735 triệu USD, giảm 56,5%; Hàn Quốc đạt 330 triệu USD, tăng 14,9%...
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,35 tỷ USD, tăng 68,3%. Trong tháng 1/2024, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 1,79 tỷ USD, tăng 73,3%; Trung Quốc đạt 853 triệu USD, tăng 71,3%; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 568 triệu USD, tăng 79,1%; Hàn Quốc đạt 540 triệu USD, tăng 53%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 4,02 tỷ USD, tăng 38,7%. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 1,57 tỷ USD, tăng 25,7%; Hàn Quốc với 278 triệu USD, tăng 40,8%; Trung Quốc với 271 triệu USD, tăng 50%...
Hàng dệt may đạt 3,13 tỷ USD, tăng 38,9%. Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch đạt 1,32 tỷ USD, tăng 33,5%, tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 387 triệu USD, tăng 55,2%; Hàn Quốc đạt 285 triệu USD, tăng 17%...
Giày dép đạt 1,97 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu giày dép chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 688 triệu USD, tăng 56,7%; Trung Quốc với 181 triệu USD, tăng 42,7%; Bỉ với 133 triệu USD, tăng 51,1%...
Ở lĩnh vực nông nghiệp cũng ghi nhận sự khởi sắc của tất cả các nhóm hàng chủ lực như: thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều… với mức tăng trưởng hai, thậm chí ba con số.
Hai “ngôi sao” rau quả và gạo tiếp tục duy trì được đà tăng ấn tượng.
Tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt hơn 490 triệu USD, tăng tới 103,9% so với cùng kỳ 2023.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 306 triệu USD, chiếm 62,45% kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước trong tháng đầu năm. So với cùng kỳ 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng tới 121%.
Xuất khẩu gạo đạt 512.265 tấn, kim ngạch đạt 362,26 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 94,5% về kim ngạch. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao hơn lượng nên trị giá xuất khẩu gạo bình quân cung cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình quân tháng 1/2024 đạt hơn 707 USD/tấn, tăng 36,22% so với cùng kỳ 2023. Như vậy, xuất khẩu gạo tháng đầu năm tăng trưởng cả 3 tiêu chí là lượng, kim ngạch và trị giá bình quân.
6 thị trường, nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD
Sự khởi sắc về xuất khẩu trong tháng đầu năm cũng được ghi nhận ở các thị trường, nhóm thị trường và các địa phương trọng điểm.
Trước tiên về thị trường, có 6 thị trường và nhóm thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong tháng 1/2024. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang tất cả thị trường, khu vực thị trường trên 1 tỷ USD đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 10,05 tỷ USD, tăng 64% (tương ứng tăng 3,91 tỷ USD); EU đạt 4,6 tỷ USD, tăng 40% (tương ứng tăng 1,32 tỷ USD); Trung Quốc đạt 4,56 tỷ USD, tăng 19% (tương ứng tăng 714 triệu USD); ASEAN đạt 3,2 tỷ USD, tăng 47% (tương ứng tăng 1,02 tỷ USD); Hàn Quốc đạt 2,34 tỷ USD, tăng 38% (tương ứng tăng 646 triệu USD) và Nhật Bản đạt 2,23 tỷ USD, tăng 45% (tương ứng tăng 690 triệu USD).
Ở trong nước, các địa phương trọng điểm cũng đã nỗ lực tăng tốc từ đầu năm. Trong đó, tháng 1 ghi nhận sự bứt phá của Thái Nguyên với kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD, tăng tới 49% (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,25 tỷ USD).
Với kết quả trên, Thái Nguyên tạm vươn lên vị trí dẫn đầu về xuất khẩu của nước ta. Chưa có những phân tích cụ thể về sự tăng trưởng ấn tượng của Thái Nguyên, nhưng trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan mới đây, đại diện Chi cục Hải quan Thái Nguyên (Cục Hải quan Bắc Ninh) cho hay, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn trong tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc, nhất là hoạt động sản xuất, xuất khẩu điện thoại của Tập đoàn Samsung.
Ngoài Thái Nguyên, tháng 1 còn 8 tỉnh, thành phố đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên gồm: TPHCM đạt 3,75 tỷ USD, Bắc Ninh đạt gần 3,1 tỷ USD; Bình Dương đạt 3,06 tỷ USD; Hải Phòng đạt 2,51 tỷ USD; Bắc Giang đạt 2,31 tỷ USD; Đồng Nai đạt 2,07 tỷ USD; Hà Nội đạt 1,52 tỷ USD và Vĩnh Phúc đạt 1,04 tỷ USD.
Trong các địa phương xuất khẩu tỷ đô, ngoài Bắc Ninh bị giảm kim ngạch, các tỉnh, thành phố còn lại đều có tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2023.
Với sự khởi đầu ấn tượng nêu trên, nhất là sự tăng trưởng đồng đều ở 3 tiêu chí quan trọng về ngành hàng, thị trường và địa phương trọng điểm, kỳ vọng hoạt động xuất khẩu và xuất nhập khẩu nói chung trong năm 2024 sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 84,74 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư với con số xuất siêu 4,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 44,42 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng 7,28 tỷ USD); nhập khẩu đạt 40,32 tỷ USD, tăng 13,32% so với cùng kỳ 2023 (tương đương kim ngạch tăng thêm 4,74 tỷ USD). |