“Ấn tượng miền Tây” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(CL&CS) - Trong tháng 10 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra chương trình "Ấn tượng miền Tây", giới thiệu tới du khách không gian văn hóa, du lịch miền Tây cùng với những nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Khmer ở miền Tây Nam Bộ

Chương trình tháng 10 “Ấn tượng miền Tây” có nhiều hoạt động đặc sắc như:Tái hiện lễ Ok - Om - Bok; giới thiệu nghệ thuật Chầm riêng Chà pây; tổ chức lễ dâng y Kathina; giới thiệu ẩm thực dân tộc Khmer Nam Bộ...

Lễ Ok - Om - Bok của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh còn có tên khác là lễ hội cúng Trăng, được tiến hành vào ngày 14 và 15 tháng Kađar theo Phật lịch, tức là Mười bốn và Rằm tháng Mười âm lịch.

Ngôi nhà chung của đồng bào dân tộc Khmer tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo quan niệm của người Khmer, Mặt trăng là vị thần có quyền năng chi phối mùa màng trong canh tác nông nghiệp. Sau khi thu hoạch những sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, người ta tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn thần Mặt trăng đã cho một mùa bội thu, giúp phum sóc no đủ.

Ok - Om - Bok là một lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ được tổ chức theo chu kỳ hàng năm. Lễ hội này là sự phản ánh, lưu giữ và truyền thừa những giá trị tích cực của tín ngưỡng đa thần cổ xưa của một tộc người gắn chặt cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình và cả phum sóc với ruộng đồng, mùa vụ và thiên nhiên. Lễ hội Ok - Om - Bok của đồng bào Khmer Nam bộ, trong đó có lễ hội Ok - Om - Bok Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.

Theo tiếng Khmer, “Chầm riêng” có nghĩa là hát, “Chà pây” là tên gọi của một loại đàn, được dùng để đệm sau mỗi đoạn hát. Cả cụm từ “Chầm riêng Chà Pây” có nghĩa là “đàn ca” hay “ca kể chuyện”.

Ngoài ra, loại nhạc cụ này còn được dùng trong nhạc lễ, nhạc cưới và cúng tế thần (gọi là “Chà pây đơn vênh”) hoặc được sử dụng để đệm cho hát múa “À day” đối đáp (song ca nam, nữ đối đáp). Khi chơi, nghệ nhân thường dựa vào các tích truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, chủ yếu thể thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ để hát. Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào tháng 10, du khách sẽ được thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh.

Tại “Ngôi nhà chung”, đồng bào dân tộc Khmer (Sóc Trăng) đang hoạt động hàng ngày sẽ tái hiện một số các hoạt động như giới thiệu trang phục dân tộc, nhạc cụ dân tộc, các thể loại sân khấu nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tại không gian nhà dân tộc Khmer.

Trong suốt tháng 10 còn diễn ra các hoạt động: Trưng bày ảnh các lễ ở chùa Khmer; tái hiện không gian điểm nhấn ở khu nhà Khmer để trình diễn giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca dân vũ, giới thiệu ẩm thực dân tộc Khmer Nam Bộ… Bên cạnh đó là hoạt động giới thiệu bộ sưu tập ảnh “Ấn tượng miền Tây” và các ấn phẩm du lịch tỉnh Trà Vinh.

Ngoài ra, chương trình hoạt động cuối tuần, hoạt động tại Làng sẽ có các hoạt động như: Tái hiện lễ quét nhà cầu an của đồng bào dân tộc Nùng; giới thiệu về nghệ thuật truyền thống Rô băm, nghi thức cúng tổ nghề và trình diễn nghệ thuật truyền thống Rô băm như vở tuồng nàng Sê Đa, chàng P’re Rem và khỉ Krôngzep; giới thiệu đặc sản địa phương; trò chơi dân gian…

Chương trình “Ấn tượng miền Tây” diễn ra từ ngày 1 - 31/10/2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

TIN LIÊN QUAN