Tại báo cáo thường niên năm 2024, Agribank đã đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng từ 3% đến 5% so với năm 2024 và không thấp hơn mức lợi nhuận kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trước đó, năm 2024, Agribank báo lãi trước thuế hợp nhất ở mức 27.575 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023. Như vậy, ước tính mục tiêu lợi nhuận tối thiểu trong năm 2025 của Agribank là 28.402 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Agribank trong năm 2025 dự kiến tiếp tục tăng trưởng phù hợp với tốc độ gia tăng của nguồn vốn huy động. Cụ thể, nguồn vốn huy động từ thị trường 1 (bao gồm tiền gửi dân cư và tổ chức kinh tế) dự kiến tăng từ 7-10%, tương ứng với nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và kế hoạch tăng trưởng dư nợ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Về hoạt động tín dụng, Agribank đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế tối thiểu 11% trong năm 2025. Đặc biệt, Ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong lĩnh vực “tam nông” khi duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở mức khoảng 65% tổng dư nợ.
Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng kinh doanh, Agribank chú trọng kiểm soát chất lượng tín dụng với mục tiêu tỷ lệ nợ xấu (theo Thông tư 31) dưới 1,5%. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu đạt 18%, đồng thời đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Về chính sách nhân sự, Agribank tiếp tục quan tâm đến đời sống cán bộ, nhân viên với mục tiêu nâng cao thu nhập phù hợp với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và theo đúng khung quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến Agribank lần thứ VI, tổ chức ngày 13/5/2025, đại diện của Agribank cho biết: tính đến ngày 31/3/2025, các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu của Agribank đạt kết quả tích cực. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 1,78 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 65%; nguồn vốn huy động từ khách hàng đạt hơn 2 triệu tỷ đồng. Đây là năm có mức tăng trưởng dư nợ đột phá của Agribank so với cùng kỳ các năm gần đây.
Tổng nợ xấu nội bảng giảm 1.107 tỷ đồng (tương đương 3,79%) so với đầu năm, 69/162 chi nhánh giảm nợ xấu, thu nợ sau xử lý rủi ro cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2024.
Đạt được kết quả trên, ngoài vai trò chỉ đạo điều hành sát sao, linh hoạt từ Trụ sở chính, nhiều chi nhánh đã thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động triển khai các giải pháp, vận dụng hiệu quả các chính sách, sản phẩm do Trụ sở chính ban hành để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngay từ đầu năm, không còn tâm lý mùa vụ, thụ động.
Với nền tảng vững chắc và định hướng chiến lược rõ ràng, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, đồng hành cùng sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và thực hiện các mục tiêu lớn về tài chính toàn diện quốc gia.