Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 cho thấy ngân hàng mẹ và các công ty thành viên tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh ổn định. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ MB tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ, đạt 11.950 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 7,1%, đạt 12.735 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, MB ghi nhận tổng tài sản hơn 806 ngàn tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đạt 475.406 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ CASA của MB đạt 37,06%, trong nhóm 1, cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần. Quy mô tiền gửi CASA tiếp tục giữ vững ở top đầu toàn ngành.
Tăng trưởng tín dụng là một trong những điểm sáng ở MB trong 6 tháng đầu năm nay với dư nợ tăng 10,6% so với đầu năm, trong đó dư nợ quý 2 tăng trưởng tốt hơn so với quý 1 (tăng trưởng 6,8% so với quý 1 tăng 3,7%).
MB hướng tín dụng tập trung vào nhóm khách hàng tiềm năng, cho vay sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy tín dụng, cung cấp tín dụng cho các dự án đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất trọng điểm và các ngành mũi nhọn của quốc gia, tạo động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, MB kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.
Bên cạnh đó, MB cũng tích cực hỗ trợ khách hàng vay vốn. Từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, MB đã triển khai các gói cho vay ưu đãi dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng, điển hình như chính sách giảm đến 2% lãi suất dành cho doanh nghiệp thực hiện vay vốn online trên nền tảng BIZ MBBank.
Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của MB tăng nhẹ so với cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu ghi nhận mức 1,33% (bao gồm trái phiếu tổ chức kinh tế), trong đó riêng ngân hàng là 1,12% và thấp hơn so với mức 1,76% cuối quý 1. Kết quả này có được nhờ MB đã có sự chuẩn bị trước, trích lập đầy đủ một số khoản nợ tái cơ cấu thời kỳ Covid có vấn đề, để chuẩn bị cho những tình huống xấu.
Chi phí hoạt động của MB cũng được kiểm soát theo kế hoạch. Theo đó, tỷ lệ CIR (chi phí trên thu nhập) tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (32,79% so với 32,63% cùng kỳ năm 2022).
Đại diện MB chia sẻ: Tiếp tục theo đuổi mục tiêu “trở thành doanh nghiệp số - Tập đoàn tài chính dẫn đầu”, MB đã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hoạt động quản lý, vận hành, tiên phong dẫn đầu thị trường về cấp hạn mức tín dụng, giải ngân chuyển tiền quốc tế, ký kết văn kiện tín dụng bằng CA Cloud… Trong nửa đầu năm 2023, MB đã triển khai các dự án nhà máy số, sáng kiến nền tảng. Nhờ vậy ngân hàng duy trì được tốc độ thu hút khách hàng mới, lũy kế đến cuối tháng 6 đã có gần 23,5 triệu khách hàng cá nhân và gần 300 ngàn khách hàng doanh nghiệp.
Bên cạnh việc nâng cao trải nghiệm trên kênh số như App MBBank và BIZ MBBank, đa dạng hóa về dịch vụ, sản phẩm theo từng nhu cầu của khách hàng, MB tiếp tục phát triển mạng lưới giao dịch thông qua hệ thống MB SmartBank (ngân hàng tự động thông minh), giúp ngân hàng phục vụ khách hàng một cách toàn diện hơn.
Lãnh đạo MB chia sẻ, MB kỳ vọng 6 tháng cuối năm 2023, tổng tài sản tăng hơn 20%, tăng trưởng tín dụng cho các khách hàng tốt. Thời gian tới, MB sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh các sản phẩm dịch vụ bảo lãnh, mục tiêu tài trợ thương mại tăng tưởng 120% và các mảng bancassurance, thẻ tín dụng tăng hơn 150%. Đồng thời MB cũng tiếp tục kiên định mục tiêu chinh phục 30 triệu khách hàng trong giai đoạn 2022 - 2026.
Đóng cửa ngày 28/7, cổ phiếu của MB (mã MBB) đạt 18.700 đồng/cổ phiếu, tăng 29% so với đầu năm, một tỷ lệ tốt so với chỉ số VN-Index khi chỉ tăng 19,9%. Ở mức giá hiện nay, vốn hóa của MB đạt 97.503 tỷ đồng.
Theo dữ liệu đến 30/7, các ngân hàng có tín dụng tăng trưởng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm là MSB (tăng 13,2%), VPBank (11,5%), Techcombank (10,9%), MB (10,6%), TPBank (10%).