Theo báo cáo của KTNN, với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức kiểm toán viên, đến 30/6/2021 toàn ngành đã xét duyệt 143 KHKT, triển khai 120/216 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 76 cuộc, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 76 BCKT, phát hành 33 BCKT.
Do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, trong năm 2021 không thực hiện kiểm toán đối với ngành y tế, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tại các tỉnh đang có dịch; hoạt động kiểm toán phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng và từng kiểm toán viên...
Theo đánh giá của KTNN, các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. Kết quả kiểm toán có nhiều phát hiện và kiến nghị nổi bật, góp phần quan trọng giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 30/6/2021, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 23.449 tỷ đồng (tăng thu NSNN 6.981 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.201 tỷ đồng; kiến nghị khác 9.267 tỷ đồng).
Đáng chú ý, trong đó một số đoàn kiểm toán có kết quả nổi bật về xử lý tài chính hoặc phát hiện kiểm toán quan trọng như: Kiểm toán việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; kiểm toán BCTC, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của: Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP; Tổng công ty Viễn thông Mobifone; kiểm toán NSĐP năm 2020 tỉnh Bình Dương, Bình Thuận,…
Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu, sửa đổi, hủy bỏ nhiều văn bản; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể, cá nhân. Bên cạnh đó, năm 2021 KTNN tiếp tục chủ động tham gia và gửi ý kiến về dự toán NSNN năm 2022 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng KTNN đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện Công văn số 670/KTNN-TH ngày 31/5/2019 về theo dõi, xử lý vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán, trong đó yêu cầu các đơn vị tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán từ các năm trước đến nay để kịp thời giải quyết dứt điểm theo quy định.
Ngoài ra, Tổng KTNN ban hành Chỉ thị 274/CT-KTNN ngày 09/3/2021 yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Trưởng đoàn, Tổ trưởng tổ kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán liên quan trực tiếp đến khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán để xử lý dứt điểm các văn bản khiếu nại, kiến nghị kéo dài quá thời gian quy định theo Quyết định số 01/2021/QĐ-KTNN của Tổng KTNN ban hành quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
Đến 30/6/2021, KTNN ban hành 22/22 thông báo kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021; phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra đối chiếu tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2019 và kiến nghị kiểm toán của các năm trước thực hiện bổ sung để làm cơ sở trích nguồn kinh phí 5% cho KTNN, theo đó, số thực hiện đủ cơ sở xác nhận là 16.978 tỷ đồng (Số được trích 5% là 16.920 tỷ; 2% là 57 tỷ). Trong đó, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2019 cho niên độ 2018 là 14.868 tỷ đồng; số kiến nghị kiểm toán các năm trước thực hiện bổ sung là 2.051 tỷ đồng
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19 văn bản pháp luật không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân; chuyển 01 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét điều tra, xử lý theo quy định pháp luật...