33 bảo vật quốc gia được công nhận: Bước tiến trong bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg, chính thức công nhận 33 hiện vật và nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024). Đây là những báu vật quý giá, phản ánh chiều sâu lịch sử và bản sắc văn hóa Việt Nam, trải dài từ thời kỳ tiền sử đến hiện đại.

Những dấu ấn văn hóa xuyên thời gian

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một trong những bảo vật quốc gia - Ảnh: Tư liệu Cục Di sản Văn hóa

Trong danh sách này, các hiện vật đến từ nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, mỗi bảo vật đều mang giá trị độc đáo, gắn liền với những cột mốc quan trọng của dân tộc như:

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", niên đại: Tháng 3, năm Minh Mạng thứ 4 (1823); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tỉnh Bắc Ninh.

Đàn đá Đắk Sơn (Đắk Nông), có niên đại 3.500 - 3.000 năm, minh chứng cho sự hiện diện của nền văn minh cổ đại tại Tây Nguyên.

Trống đồng Vũ Bản (Hà Nam) và trống đồng Đông Sơn (thuộc các sưu tập tư nhân tại Hà Nội và Quảng Nam), tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn huy hoàng, niên đại từ thế kỷ III - II TCN.

Bộ trang sức vàng Lai Nghi và hạt mã não hình thú (Quảng Nam), có niên đại từ thế kỷ III TCN đến thế kỷ I, thể hiện kỹ nghệ chế tác tinh xảo của người xưa.

Báu vật tôn giáo và nghệ thuật kiến trúc

Các hiện vật tôn giáo và kiến trúc cũng chiếm vị trí nổi bật: Đầu tượng Phật Linh Sơn Bắc (An Giang) và tượng Avalokitesvara Bắc Bình (Bình Thuận), phản ánh sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Phù điêu Shiva múa Phong Lệ và phù điêu Uma Chánh Lộ (Đà Nẵng) đại diện cho nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa độc đáo từ thế kỷ X - XI.

Sáu tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn (Hà Nam), được chế tác từ thời Lý (1118-1121), là biểu tượng cho nghệ thuật tôn giáo đỉnh cao.

Bảo vật Hoàng thành Thăng Long và thời kỳ phong kiến

Các di vật từ Hoàng thành Thăng Long cũng để lại dấu ấn đậm nét, như: Sưu tập đầu phượng thời Lý (thế kỷ XI - XII); Bình Ngự dụng thời Lê sơ (thế kỷ XV) và sưu tập gốm sứ cung Trường Lạc (thế kỷ XV - XVI).

Ngoài ra, đôi rồng đá thành bậc đình Trích Sài (Hà Nội) hay chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng (Huế) cũng là những minh chứng cho nghệ thuật điêu khắc và chế tác tinh tế qua các triều đại.

Những bảo vật gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đặc biệt, ba chiếc xe ô tô từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954 đến 1969 cũng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là chứng nhân lịch sử, gắn với cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của vị lãnh tụ kính yêu.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, việc công nhận bảo vật quốc gia là bước đi quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các cấp chính quyền và tổ chức liên quan, được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và quảng bá những bảo vật này theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

33 bảo vật quốc gia mới được công nhận không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng để thúc đẩy nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

TIN LIÊN QUAN

Bánh chưng làng

30/12/2024 08:42