Dữ liệu cũ
Thứ ba, 26/05/2020, 10:59 AM

Vì sao nhập khẩu nhiều nhưng giá thịt heo không thể “hạ nhiệt”?

(CL&CS) - Dù lượng thịt heo nhập khẩu tăng đến 300% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng mới chỉ đạt hơn 50% sản lượng 100.000 tấn mà Chính phủ yêu cầu. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho giá thịt heo vẫn chưa thể “hạ nhiệt”, bất chấp những nỗ lực điều hành của Chính phủ…

Giá thịt heo vẫn khó giảm

Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lý giải, khi đàn heo của các DN chăn nuôi lớn chiếm khoảng 35% tổng đàn heo cả nước nên việc điều chỉnh giá cả thịt heo trên thị trường là nhiệm vụ… bất khả thi. Bởi, việc giảm giá heo hơi xuất chuồng thời gian qua là do chỉ đạo từ các cơ quan chức năng nhưng cũng không thể kéo dài được lâu vì giá bên ngoài thị trường vẫn ở mức cao.

Theo ông Công thì: “Giá heo cao bản chất là do nguồn cung heo bị thiếu hụt rất lớn. Nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã giảm giá theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT từ khoảng 90.000 đồng/kg xuống còn 70.000 đồng/kg, nhưng các thương lái mua tại nhà máy đem ra cổng đã bán lại với giá 85.000 – 90.000 đồng/kg, kiếm lời 1,5 – 2 triệu đồng/con heo. Như vậy, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều không được hưởng lợi, mà chỉ có một bộ phận thương lái gom heo ở các nhà máy là siêu lợi nhuận”.

6
Khi thói quen của người tiêu dùng chưa thay đổi theo hướng dùng thịt mát thì việc nhập khẩu vẫn được DN khá cân nhắc. Và như vậy việc giảm giá thịt heo vẫn khó thực hiện.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Công, việc các cơ quan quản lý cho rằng mức giá bán heo hơi khoảng 60.000 đồng/kg là đã thu siêu lợi nhuận do giá thành chỉ có 45.000 đồng/kg là… “cách tính máy móc “. Bởi, với tình hình dịch ASF chưa có vắcxin phòng chống hay thuốc đặc trị, tỉ lệ heo chết có thể lên đến 30 – 35%.

“Với tỉ lệ hao hụt lên tới 30 – 35%, giá thành bị đội lên rất cao và mức độ rủi ro quá lớn. Nếu mức giá bán ra không đủ hấp dẫn, sẽ không ai dám đầu tư nuôi heo giai đoạn này. Giá heo cao chính là một động lực quan trọng để người chăn nuôi đầu tư tăng đàn, tăng nguồn cung tương lai. Do đó, cần phải chấp nhận giá cao trong một thời gian để tăng đàn, khi đó nguồn cung sẽ tăng và giá cả sẽ giảm lại”, ông Công nói.

Ở góc độ người chăn nuôi, việc “neo” giá heo hơi ở mức cao cũng là động lực để người dân tái đàn. Anh Nguyễn Xuân Hùng (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), cho hay, do ảnh hưởng của dịch ASF, hầu hết đàn heo nái và heo hậu bị của người dân trên địa bàn bị thiệt hại khiến con giống khan hiếm và phụ thuộc vào các DN lớn.

“Giá heo giống hiện vào khoảng 3,2 triệu đồng/con (6 – 10kg), thậm chí lên đến 3,8 triệu đồng/con (23 – 25kg). Tuy nhiên, để mua được heo giống cũng không phải là điều dễ dàng, thậm chí phải “lót tay” từ 100.000 – 150.000 đồng/đầu heo để… “đặt cọc”. Do đó, muốn kéo giảm giá heo hơi xuống thấp, cần phải có giải pháp giảm giá con giống xuống còn khoảng 1 – 2 triệu đồng/con. Còn với giá con giống hiện nay, cộng thêm tiền cám, kháng sinh, thuốc thang, chi phí hao hụt,… giá thành heo thịt xuất chuồng không thể nào ở mức giá dưới 70.000 đồng/kg”, anh Hùng tính toán.

Trước tình hình giá heo khó giảm, các cơ quan ban ngành đã đẩy mạnh việc nhập khẩu thịt heo để ổn định nguồn cung trong nước. Theo đó, tính đến hết tháng 4/2020, Việt Nam đã nhập được 54.000 tấn thịt heo, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng nguồn cung này vẫn không thể kéo giảm tình trạng giá heo tăng. Tính đến sáng 13/5, giá heo hơi ở miền Bắc vẫn dao động 92.000 – 93.000 đồng/kg; trong khi ở khu vực miền Trung, giá heo hơi dao động quanh mức 90.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá heo hơi tại Đồng Nai đạt 91 – 93.000 đồng/kg, trong khi các địa phương như Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ, ổn định với mức giá cao, đạt 90.000 – 92.000 đồng/kg.

Thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ giúp giá heo… hạ nhiệt

Vì sao Chính phủ khuyến khích nhập khẩu tới 100.000 tấn thịt heo mà các DN không nhập, vướng mắc ở đâu? Lý giải về điều này, các DN cho rằng quyết định nhập khẩu nhiều hay ít phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của DN, còn cơ quan chức năng chỉ hỗ trợ về chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Thế nên, khi thói quen của người tiêu dùng chưa thay đổi theo hướng dùng thịt mát thì việc nhập khẩu vẫn được DN khá cân nhắc.

Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Hương Việt, cho hay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng bị giảm đàn heo do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi nên nguồn cung thiếu hụt, DN phải cạnh tranh mới mua được. Thêm vào đó, hiện nay, người tiêu dùng trong nước vẫn thích thịt nóng, muốn thay đổi cần có thời gian nên thị phần thịt heo đông lạnh còn thấp. “Ngoài ra, do ảnh hưởng Covid-19 nên hàng tồn nhiều, thiếu kho lạnh để bảo quản thực phẩm, nhiều lô thịt đông lạnh nhập khẩu phải nằm ngoài cảng nên các DN phải hoãn nhập hàng mới, chờ tiêu thụ hàng tồn…”, bà Hương nêu thực trạng.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, thì cho rằng, việc xem thịt heo như một mặt hàng không thể thiếu khiến cho Chính phủ và các bộ ngành có những quyết định và chính sách chưa hợp lý, không khả thi và phi thị trường.

“Chính phủ lấy tiền đâu ra mà bình ổn thị trường thịt heo. Do đó, muốn giá giảm chỉ có cách hoặc là tăng nguồn cung, hoặc là giảm nhu cầu. Để tăng nguồn cung, có thể khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, hoặc tăng cường nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài về. Tuy nhiên, cả hai giải pháp này hoặc là sẽ rất mất nhiều thời gian, hoặc vì nhiều lý do khiến việc nhập khẩu một lượng rất lớn thịt heo về Việt Nam là không dễ dàng. Do đó, cách tốt nhất là người tiêu dùng chuyển sang dùng loại thịt khác thay thế thịt heo. Nên nhớ, thời gian qua giá gà, vịt, trứng, thủy sản… giảm sâu, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thay thế thịt heo bằng các loại thịt này vừa đảm bảo chi tiêu mà giảm nhu cầu vào thịt heo”, ông Bình nói.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, khẳng định, từ quý 3 trở đi, sẽ cải thiện nguồn cung heo hơi. Theo ông Tiến, tính đến tháng 2/2020, tổng đàn heo của cả nước đạt gần 24 triệu con, chỉ tương đương 74% so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi nên nguồn cung thiếu hụt dẫn đến giá heo hơi trong nước tăng cao. Hiện tại, các địa phương đang tích cực tái đàn và theo tính toán của Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thống kê, đến quý 3 – quý 4 năm nay, lượng thịt heo cung cấp ra thị trường sẽ trở lại dồi dào, bảo đảm cân đối được cung – cầu, khi đó giá heo chắc chắn sẽ giảm.

Bá Lâm

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.