10 thị trường lớn đều tăng
Trong một phân tích chi tiết từ dữ liệu thống kê vừa công bố, Tổng cục Hải quan thông tin, 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 thị trường lớn nhất đều tăng trưởng, thậm chí một số thị trường tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình như: Hoa Kỳ, đạt 16,81 tỷ USD, tăng tới 29,2% (tương ứng tăng 3,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, thị trường Hoa Kỳ đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là kim ngạch tăng trưởng cao nhất ở thị trường này so với cùng kỳ từ trước tới nay.
EU là khối thị trường có đóng góp lớn thứ hai vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta, vượt qua cả Trung Quốc và ASEAN. 2 tháng đầu năm xuất khẩu sang EU đạt 9,03 tỷ USD, tăng 17,9% (tương ứng tăng 1,37 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước).
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 7,96 tỷ USD, tăng 7,8% (tương ứng tăng 0,58 tỷ USD); xuất khẩu sang ASEAN đạt 6,14 tỷ USD, tăng 14,7% (tương ứng tăng 0,79 tỷ USD)…
Máy vi tính lấy lại ngôi số 1 về xuất khẩu
Xét theo từng ngành hàng, 2 tháng đầu năm cũng ghi nhận kim ngạch tăng cao ở nhiều ngành hàng chủ lực.
Trong đó, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đã giành lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu (từ nhóm hàng điện thoại và linh kiện). 2 tháng đầu năm xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 9,99 tỷ USD, chiếm tới 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chủ yếu sang các thị trường như: Hoa Kỳ với 3,24 tỷ USD, tăng 47,4%; Trung Quốc với 1,64 tỷ USD, tăng 53,9%; Hồng Kông (Trung Quốc) với 1,1 tỷ USD, tăng 82,8%; Hàn Quốc với 1,08 tỷ USD, tăng 19,6%...
Điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,51 tỷ USD, tăng 3,4% (tương ứng tăng tới 309 triệu USD so với cùng kỳ năm trước). Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường chủ lực như: Hoa Kỳ là 2,31 tỷ USD, tăng 42%; Trung Quốc là 1,46 tỷ USD, giảm 43% và EU là 1,44 tỷ USD, giảm 4%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tiếp tục giữ vững vị trí thứ ba với 6,98 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 6,7 tỷ USD, tăng 6,8%; EU với 1 tỷ USD, tăng 2,4%; ASEAN với 476 triệu USD, tăng 6,9%; Hàn Quốc với 476 triệu USD, tăng 13,1%...
Dệt may có sự phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch đạt 5,16 tỷ USD, tăng 13,4% (tương ứng tăng 608 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu dệt may tăng ở cả 4 thị trường chủ lực là Hoa Kỳ, Nhật Bản; EU và Hàn Quốc. Cụ thể, xuất sang Hoa Kỳ là 2,19 tỷ USD, tăng 12%; Nhật Bản là 630 triệu USD, tăng 17,6%; EU là 552 triệu USD, tăng 8,2%; Hàn Quốc với 515 triệu USD, tăng 8,2%...
Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận kim ngạch tăng trưởng mạnh ở các nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô như: giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy ảnh máy quay phim và linh kiện; thủy sản; sắt thép…
2 tháng đầu năm, các thị trường nhập khẩu lớn cũng có kim ngạch tăng trưởng mạnh. Đơn cử như: Trung Quốc đạt 19,33 tỷ USD, tăng mạnh tới gần 40% (tương ứng tăng 5,44 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Trung Quốc là thị trường có đóng góp lớn nhất (chiếm tới gần 70%) vào tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm. Hàn Quốc đạt 7,97 tỷ USD, tăng 3,2% (tương ứng tăng 0,25 tỷ USD); thị trường ASEAN đạt 6,79 tỷ USD, tăng 6,3%; Nhật Bản đạt 3,58 tỷ USD, tăng 0,9%; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 3,2 tỷ USD, tăng 8,6%; EU đạt 2,54 tỷ USD, tăng 17,6%... |