Xuất hiện lỗ hổng trong an toàn lao động

(CL&CS) - Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, cho thấy công tác đảm bảo an toàn trong quy trình lao động vẫn còn lỗ hổng. Điều này một lần nữa khẳng định tính bức thiết của công tác bảo đảm an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Không chỉ doanh nghiệp mà người lao động cũng phải nắm vững các phương án, có kỹ năng, hiểu quy trình về an toàn lao động một cách thuần thục. Ảnh: ST

Chưa thực sự được chú trọng

Theo Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Hà Tất Thắng, trong năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công. Cùng với đó tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động cũng có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn.

Báo cáo của cơ quan này cũng cho thấy, tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại. Đơn cử, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Đáng chú ý, ngay trong tháng 4/2024 đã liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trên cả nước. Vào ngày 3/4/2024, vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh đã làm 4 công nhân tử vong. Ngày 9/4, vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương. Tiếp đó là vụ tai nạn lao động, tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Và gần đây nhất đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai khiến 6 người chết và nhiều người bị thương.

Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều bài học đắt giá trong việc tuân thủ cũng như tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động nhưng đến nay câu chuyện về đảm bảo an toàn lao động vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Lý giải nguyên nhân số vụ lao động nghiêm trọng ở mức cao, ông Hà Tất Thắng cho rằng, nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực.

Do đó, về giải pháp, việc nâng cao nhận thức để phòng ngừa vẫn là chủ đạo, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền phòng ngừa, hỗ trợ tập huấn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hướng đến nhóm đối tượng lao động tự do. Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.

Xử lý nghiêm để không còn xảy ra trường hợp tương tự

Cho ý kiến về những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong thời gian qua, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nêu các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, lặp lại những nguyên nhân của hàng chục năm trước đây trong ngành sản xuất xi măng cũng như ngành chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng. Trong khi đó, hiện các quy định về quy chuẩn an toàn lao động đã khá đầy đủ đơn cử như: Quy chuẩn kỹ thuật số 05/2012 của Bộ LĐTBXH về khai thác và chế biến đá, Quy chuẩn quốc gia số 06/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về an toàn vệ sinh lao động trong không gian hạn chế đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn đều yêu cầu khi hệ thống vận hành phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt… Chính vì vậy, cần điều tra làm rõ đơn vị này có thực hiện các quy trình đó hay không. Bên cạnh kiểm tra quy trình, quy phạm làm việc an toàn thì cần xem xét công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động để họ nắm được các kỹ năng cần thiết hay chưa.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Thơ, để đảm bảo an toàn, không chỉ doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng phương án khẩn cấp, có cán bộ giám sát an toàn lao động đứng bên cạnh để khi xảy ra bất kỳ sự cố nào đều phải khắc phục, kiểm soát được ngay, mà người lao động còn phải nắm vững các phương án, có kỹ năng, hiểu quy trình một cách thuần thục. “Một doanh nghiệp hoạt động rất lâu năm, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, các cơ quan chính quyền đánh giá, giám sát cũng phải kiểm soát về mặt hiệu quả hoạt động, an toàn vệ sinh lao động. Với sự cố nghiêm trọng này, trách nhiệm của doanh nghiệp, các cấp quản lý là rất lớn. Cần xử lý và nghiêm túc rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm phòng ngừa không xảy ra những việc tương tự”, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động nhận định.

Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động (1/5 - 31/5) năm nay được chính thức phát động vào ngày 26/4, cùng với Tháng Công nhân. Chủ đề Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 là “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Lý do năm nay chọn chủ đề này là công nhân, lao động thường xuyên tiếp xúc với các máy móc, thiết bị theo chuỗi nên môi trường làm việc cần được tăng cường, cải thiện, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động. Đây là yếu tố liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

TIN LIÊN QUAN