“Khi xây dựng một toà nhà chọc trời, hãy quên cốt thép và bê tông đi. Hãy xây nó bằng gỗ”, Kiến trúc sư Michael Green, người thứ 13 trong danh sách các kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế giới đã từng nói như vậy từ năm 2013.
Ông cho rằng việc xây dựng một toà nhà cao 20 tầng – 30 tầng và hơn thế nữa một cách an toàn bằng gỗ không chỉ khả thi mà còn rất cần thiết. Nếu xây 1 tòa nhà 20 tầng bằng gỗ thay vì bằng ximăng và bêtông, lượng khí thải giảm được 4.300 tấn, tương đương.
Trên thế giới đã xuất hiện nhiều những tòa nhà chọc trời được làm từ gỗ. Ví dụ như tòa nhà gỗ Mjøstårnet cao nhất thế giới bằng gỗ: 18 tầng 84 mét tại Na Uy.
Công trình kiến trúc bằng gỗ và đồ nội thất gỗ đã trở thành xu hướng mới. Nhưng gỗ được sử dụng phải là gỗ có nguồn hợp pháp. Xu hướng này lại được khẳng định tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững trong xây dựng, thiết kế kiến trúc và nội thất tại Việt Nam”.
Tọa đàm do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) tổ chức ngày 4/9/2021 với hơn 400 người tham dự.
“Giới khoa học và kiến trúc trên thế giới đang thúc đẩy một khuynh hướng mới: “thời của gỗ”, vật liệu định hình thế kỷ 21 là gỗ”, bà Tô Kim Liên, giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) cho biết.
Trên thế giới đang có sự bùng nổ của các công trình kiến trúc hiện đại bằng gỗ. Sự bùng nổ này có được là nhờ công nghệ sản xuất gỗ kỹ thuật (gỗ qua xử lý) đã đạt nhiều tiến bộ. Với công nghệ hiện đại, gỗ có thể có công năng tương đương như bê tông nhưng lại là vật liệu xanh, bền vững, và thân thiện với môi trường. TS.KTS. Đặng Hoàng Vũ, Phó trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết.
Việt Nam đã bắt nhập vào xu hướng “thời của gỗ” khi đã có nhiều công trình gỗ được xây dựng.
Có thể kể đến, khu biệt thự nghỉ dưỡng An Lâm (Vịnh Ninh Vân, Nha Trang) với lối kiến trúc gỗ là chủ đạo. Hay công tình Cầu Vàng ở khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng) với mặt cầu được thiết kế chủ yếu từ gỗ kiềng đã trở thành công trình nổi tiếng thế giới. Và Lam Cafe ở Nha Trang – một điểm đến thu hút nhiều du khách khi dựng nên bằng những thanh gỗ ghép lại...
“Sử dụng gỗ sẽ tạo mội trường sống tốt, vừa tốt cho sức khỏe, tính thẩm mỹ cao lại bảo vệ môi trường, giảm đáng kể lượng khí thải do hiệu ứng nhà kính mà các hoạt động xây dựng gây ra, giảm chất thải phế thải, ô nhiễm, giảm chi phí…”, PGS. TS. KTS.Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung cho biết.
“Chúng tôi sử dụng gỗ làm vật liệu xây dựng vì gỗ là chất liệu 100% tái tạo được, trồng được, thời gian xây dựng nhanh và giảm khí thải. Gỗ là một loại vật liệu phù hợp cả phong cách truyền thống lẫn hiện đại giúp cho các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo”, KTS Phạm Thanh Huy, người đứng đầu của 282 Design phát biểu.
282 Design nâng tầm thặng dư của gỗ bằng chất lượng và thẩm mỹ, luôn nghiên cứu các giải pháp để ứng dụng trong sản xuất- để tái sử dụng gỗ một cách khoa học nhất và đã đưa ra các giải pháp phải tái sử dụng gỗ phải đạt 80-90% nguyên liệu đầu vào.
Nhu cầu nội thất gỗ ở Việt Nam cũng rất lớn và là một thị trường đầy tiềm năng với nhu cầu rất lớn từ 800 triệu - 1 tỷ USD/năm, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết.
Ở Sài Gòn, một gia đình trung lưu tiêu từ 6 - 7 triệu đồng tiền gỗ/năm, ở Hà Nội 3 triệu đồng, nông thôn 1 triệu đồng, ông Hoài cho biết thêm.
Với thị trường tiềm năng như thế, nhiều thương hiệu quốc tế đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn - IKEA đã công bố kế hoạch đầu tư 450 triệu USD để xây dựng cửa hàng và hệ thống bán lẻ tại Hà Nội.
Nhưng “sử dụng gỗ hợp pháp là vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” trong môi trường kinh doanh ngày nay”, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.
Vì vây để bắt nhịp vào xu thế mới, bước vào “thời của gỗ”, cần nâng cao nhận thức về yêu cầu sử dụng gỗ và các sản phẩm từ gỗ hợp pháp và khuyến khích các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà quản lý xây dựng và nhà thiết kế nội thất, nhất là giới trẻ sử dụng gỗ một cách bền vững trong thiết kế, xây dựng và nội thất.
Thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2020, theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ sản xuất, chế biến và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam cần phải truy xuất được nguồn gốc hợp pháp.