Trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hậu Giang đã gửi kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó, đề nghị có chính sách cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất ưu đãi để người lao động hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.
Cụ thể, cử tri cho rằng, công nhân lao động ai cũng mong muốn khi về già được nhận lương hưu để đảm bảo cuộc sống nhưng để được lãnh lương hưu thì rất ít do số năm đóng không đủ, đủ số năm nhưng chưa đủ tuổi, tiền lương hưu thấp...
Vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ việc đa phần công nhân lao động sẽ chọn phương án này để trang trải cuộc sống và giải quyết vấn đề trước mắt, nhưng đến khi không còn khả năng lao động thì không có nguồn tiền ổn định để đảm bảo cuộc sống khi về già.
Theo đó, cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị NHNN phối hợp với bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ xem xét có chính sách cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất ưu đãi để người lao động hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần và đảm bảo ổn định cuộc sống.
Trả lời vấn đề này, NHNN cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều chương trình, chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, mua nhà ở, tiêu dùng chính đáng, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lao động ở các khu công nghiệp, những người có thu nhập thấp, công nhân…
Theo đó, hiện nay, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đáp ứng các điều kiện vay vốn được tham gia nhiều chính sách tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội như: Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Cho vay Hộ gia đình sản xuất kinh doanh và Thương nhân tại vùng khó khăn; Chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm;...
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cùng với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng dự án Luật BHXH (sửa đổi) theo hướng mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.
Theo đó, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung như: giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động; người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Dự kiến dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.