Xây dựng thông thôn mới: Khoa học công nghệ phải bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu vì lợi ích của người dân

(CL&CS) - Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 10 năm qua, tham gia vào các tiêu chí nâng cao đời sống người dân cả về văn hoá và kinh tế.

Ngày 3/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới .

Trong báo cáo Tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021, một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 là một chương trình hành động lớn để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một chiến lược phát triển nông thôn toàn diện, mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, được tiến hành theo cách tiếp cận mới, tác động tới tất cả các đối tượng, giải quyết nhiều vấn đề lớn, kết nối chặt chẽ với công nghiệp hóa (CNH) và đô thị hóa (ĐTH).

Áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn

Với phạm vi triển khai sâu và rộng, xây dựng NTM cần được cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm nước ngoài và trong nước, hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp và các giải pháp đồng bộ để đảm bảo sự thành công, tính hiệu quả, tạo ra những đột phá mới.

Tại Hội nghị GS.TS Trần Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 cho biết: các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã có những tác động cụ thể đến việc huy động và sử dụng nguồn lực cho xây dựng NTM; nâng cao đời sống văn hóa, xã hội nông thôn; quy hoạch cảnh quan, sử dụng tài nguyên, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường NTM; ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng NTM; phát triển cơ giới hóa nông nghiệp; phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng NTM…

Điển hình là trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30-35% đối với rau màu, 10-15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133-500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất.

Trong chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Các giống lợn lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai 1/2 hoặc 3/4 máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt, ngan pháp.

Nân cao thu nhập cho người dân miền núi, vùng kinh tế khó khăn

Một trong những kết quả của Chương trình KHCN đó là quan tâm đến vùng kinh tế khó khăn. Có thể kể đến một số dự án như sau: Dự án “Xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết tổ chức ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật cải tạo thâm canh để kéo dài chu kỳ kinh doanh cây cà phê tại 2 xã xây dựng NTM: Đăk Mar, Hà Mòn và thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum” đã nhân rộng được 4.000 ha (tại các xã, thị trấn Hà Mòn, Đak Mar, Đakla, Đak Ngoc, Đak Rin, Ngoc Vang, Đak Long).

Dự án dược liệu tại Yên Bái và Bắc Kạn đã xây dựng được 01 mô hình liên kết chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm Hà thủ ô đỏ, ý dĩ tại huyện Chợ mới, tỉnh Bắc Kạn và 01 mô hình tại huyện Văn Yên tỉnh yên Bái với 100 hội viên, thu nhập của các thành viên tăng 3-5 lần so với trước khi tham gia mô hình.

Dự án dược liệu  (Tam thất, Đương quy, Cát cánh) theo hướng GACP - WHO nằm trên địa bàn huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã mở rộng diện tích từ 10 ha lên 200 ha và từ 100 người dân tham dự án ban đầu nay đã là 1672 người.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất  mắc ca bền vững theo chuỗi giá trị phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lâm Đồng” đã mở rộng diện tích từ 20 ha lên 100 ha đối với mô hình trồng xen Mắc ca vào vườn cà phê, và từ 20 ha lên hơn 200 ha cho mô liên kết cải tạo, thu mua các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông.

Dự án Phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với Du lịch tại Thái Nguyên từ 3 mô hình nay đã nhân rộng được 14 mô hình với số hộ dân tăng lên gấp hàng chục lần.

Cũng theo báo cáo cho biết: Chương trình KHCN đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tác động rõ rệt nhất là các tiêu chí về thu nhập; việc làm; quy hoạch; thuỷ lợi; môi trường và chất lượng sản phẩm; văn hoá; chính trị và tiếp cận Pháp luật. Các tác động này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong 10 năm qua và tạo động lực, giá trị KHCN để thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm tiếp theo.

Đối với nhiệm vụ Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM từ nay đến năm 2025, Ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng.

Đề xuất được các giải pháp KHCN thực hiện các nội dung: Phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn; nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; giải pháp quản trị và kết nối các cộng đồng cư dân nông thôn…

Xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; các dự án kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên tái tạo; thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương. 

Đồng thời, ưu tiên thực hiện các nội dung liên quan đến các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao năng lực và tổ chức hoạt động hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội; an ninh quốc phòng; ứng dụng công nghệ số; môi trường nông thôn… đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tạo hiệu ứng lan tỏa.

TIN LIÊN QUAN