Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai

(CL&CS) - Ngày 27/9 tại Khách sạn Sheraton Hanoi West, Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Xanh hóa” năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai. Sự kiện mang đến góc nhìn thực tiễn về những vấn đề, công nghệ, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu cũng như cách tiếp cận phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tham dự hội thảo, phía Intech Energy có sự hiện diện của ông Hoàng Hữu Thắng – Chủ tịch HĐQT Intech Energy, ông Trần Văn Nhơn – Tổng giám đốc Intech Energy cùng nhiều lãnh đạo tập đoàn Intech Group. Phía khách mời và chuyên gia có bà Ivy Lee - đại diện Tập đoàn Jolywood Group – Trung Quốc, ông Lý Đức Tài - Phó Viện trưởng Viện khí nhà kính Việt Nam, cùng sự góp mặt của nhiều đại diện doanh nghiệp, đơn vị truyền thông, báo chí.

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ cùng các doanh nghiệp đang rất quan đến sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giúp doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh tại Việt Nam và trên thế giới. Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Để cụ thể hóa các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch Intech Energy chia sẻ: “Doanh nghiệp tham gia khá sâu vào mảng năng lượng xanh và chuyên về điện mặt trời (ĐMT). Bên cạnh việc trang bị cho doanh nghiệp, Intech cũng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khác có nhu cầu, giúp họ tiết kiệm được chi phí và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu hiện nay. Bởi lẽ các đối tác liên quan đến Nhật Bản, Mỹ, châu Âu,... gần như đều quan tâm đến việc doanh nghiệp có sử dụng ngân lượng sạch hay không, và ưu tiên những đơn vị sử dụng năng lượng sạch để hợp tác xuất khẩu”.

Phát biểu tại cuộc họp rà soát, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định về ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu vào ngày 13/8 mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng dư địa phát triển ĐMT mái nhà ở miền Bắc còn nhiều và cần có chính sách khuyến khích đầu tư. Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các điều kiện để làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, mở "room" cho ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.

Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phải nghiên cứu, thống nhất tỷ lệ bán điện dư của nguồn ĐMT mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt thực tế.

Đánh giá về chính sách này, ông Thắng chia sẻ, đây là một chính sách rất tuyệt vời và chính là mấu chốt của vấn đề. Trước đây, khi chưa có chính sách này đã phần nào hạn chế sự phát triển của việc lắp đặt ĐMT. Chính sách khuyến khích mua lại 20% điện của các doanh nghiệp, các dự án ĐMT áp mái sẽ giúp doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hơn và đồng thời giảm lãng phí. Bởi các doanh nghiệp có lắp nhưng cũng có khi dư thừa 10-20%, dùng không hết mà lại bán được cho EVN và EVN phân phối đến một số vùng, nơi khác”.

Trên góc độ một doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình chuyển đổi xanh và cung cấp các giải pháp chuyển đổi sang năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp, các khó khăn về vốn chỉ là một phần, “phần lớn vướng mắc đến từ chính sách. Về câu chuyện tài chính thì thực ra rất nhiều doanh nghiệp bây giờ đang tự chủ, đã lo được và có khả năng đầu tư, sẵn sàng tham gia, nhưng chính sách phải được khơi thông rõ ràng, có các hỗ trợ thực tiễn”, ông Thắng cho biết. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Nhơn – Tổng giám đốc Intech Energy nêu ra 4 bài toán cho các doanh nghiệp, con người, xã hội và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Một là, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; hai là, cạn kiệt nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học; ba là, việc Chính phủ và các tổ chức đã có quy định siết chặt về phát thải khí nhà kính, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh quy trình sản xuất; bốn là, chi phí năng lượng ngày càng tăng.

Theo ông Trần Văn Nhơn, hiện có những xu hướng dịch chuyển năng lượng toàn cầu, gồm tăng sử dụng năng lượng tái tạo; chuyển đổi công nghệ sản xuất; chính sách quốc tế và quốc gia về giảm phát thải; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng; hiệu quả năng lượng và quản lý tiêu thụ năng lượng.

Các đại biểu và khách mời tham dự đã có phần tọa đàm, thảo luận trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn với nhiều thông tin hữu ích và các góc nhìn thực tiễn, mới mẻ liên quan đến phát triển năng lượng xanh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Theo ông Lý Đức Tài - Phó Viện trưởng Viện khí nhà kính Việt Nam cũng cho biết, hiện Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho việc hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Theo quyết định mới nhất, sẽ có 2.166 doanh nghiệp buộc phải giảm khí nhà kính, giảm phát thải.

Phó Viện trưởng Lý Đức Tài, giải pháp để các doanh nghiệp thực hiện việc xanh hóa năng lượng, đó là sử dụng năng lượng tái tạo hoặc mua bán điện sản xuất từ năng lượng tái theo cơ chế DPPA, tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó cần lưu ý sử dụng tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh thay thế thiết bị tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, cần triển khai hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng và sử dụng nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường.

Hội thảo là sự kiện được tổ chức bởi Intech Energy nhằm giúp doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh tại Việt Nam và trên thế giới. Làm cơ sở tham khảo cho các doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần cùng các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - NET ZERO. 

Năng lượng xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu. Khi nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều quốc gia đang chuyển hướng phát triển năng lượng sạch và bền vững.

TIN LIÊN QUAN