Xác thực sinh trắc học chống lừa đảo chuyển tiền

(CL&CS) - Các ngân hàng có nhiều cách thức xử lý với tài khoản nghi ngờ, trong đó yêu cầu định danh lại tài khoản để xác định tài khoản đó có phải là chính chủ hay không. Đặc biệt từ ngày 1/7, mọi giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên sẽ phải xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền. Đây được coi là "vũ khí” chống giả mạo định danh để chiếm đoạt tài sản.

Người dùng có tài khoản Agribank rút được tiền mặt từ cây ATM bằng CCCD gắn chip.

Thu nhập sinh trắc học, "làm sạch" hàng triệu tài khoản

Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) cho biết: Hoạt động lợi dụng không gian mạng để phạm tội, lừa đảo trực tuyến (chiếm 57% tổng số tội phạm mạng) gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi; triệt để lợi dụng công nghệ mới, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm.

Theo Quyết định số 2345/ QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 1/7, mọi giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên đều phải xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền. “Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người giao dịch, người thụ hưởng”, ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NHNN nhấn mạnh.

Với quy định mới này, trước tiên, các ngân hàng cần phải phối hợp với Bộ Công an làm sạch cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng bằng việc đối chiếu cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng đã được ngân hàng lưu trữ với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Trên cơ sở đó, khi phát sinh giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, buộc phải thực hiện đối sánh sinh trắc học của người đang thực hiện giao dịch với cơ sở dữ liệu sinh trắc của khách hàng mà ngân hàng đang lưu.

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, Quyết định 2345 giúp nâng cao phương thức xác thực giao dịch nhằm phòng chống các phương thức lừa đảo của kẻ gian ngày càng tinh vi. Nhiều ngân hàng đã tiến hành thu thập sinh trắc học, làm sạch được hàng triệu tài khoản ngân hàng.

“Cục An ninh mạng Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05) đã kết nối giải pháp với các ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức trung gian thanh toán để thiết lập hệ thống thông tin trực tuyến, qua đó thông tin về các tài khoản nghi ngờ giả mạo, gian lận sẽ được cơ quan công an thông báo đến ngân hàng để tạm dừng giao dịch online”, ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ.

“Cần một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngân hàng để hành động kịp thời theo thời gian thực (realtime) và tự động. Nếu tài khoản mới có dấu hiệu nghi ngờ, ngân hàng sẽ chưa chặn giao dịch nhưng sẽ yêu cầu định danh lại tài khoản. Nếu là kẻ gian, họ sẽ không xác thực khuôn mặt, căn cước công dân (CCCD) gắn chip, từ đó dòng tiền lừa đảo không thể tiếp tục luân chuyển”, Phó Tổng Giám đốc VietinBank nhận định.

Theo bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng giám đốc - Phụ trách Khối quản lý rủi ro Vietcombank, hiện có 2 hình thức lừa đảo phổ biến. Thứ nhất, dẫn dụ người dân cung cấp các thông tin bảo mật; thứ hai, giả mạo định danh để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, các ngân hàng đã gia tăng tần suất cải tiến các hình thức cảnh báo, khuyến nghị khách hàng bảo mật thông tin.

Phía Vietcombank đã phối hợp với Bộ Công an, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cùng Cục Cảnh sát Hành chính về trật tự xã hội (CO6) hoàn thành kết nối về kỹ thuật với Dữ liệu dân cư Quốc gia, ứng dụng nhiều giải pháp định danh chính xác công dân, khách hàng.

Theo bà Đinh Thị Thái, việc kết nối giữa ứng dụng giao dịch ngân hàng điện tử với ứng dụng định danh điện tử (VNeID) giúp ngân hàng có nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy. “Hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ ngân hàng được liên kết với nguồn dữ liệu đầy đủ gồm thông tin về giấy tờ định danh, thông tin sinh trắc học, thông tin khách hàng, giúp ngăn chặn các hành vi giả mạo danh tính để mở tài khoản gian lận”, bà Đinh Thị Thái cho biết.

Đối với người dân, việc kết nối xác thực định danh từ VNeID trên ngân hàng số sẽ chia sẻ thông tin cho ngân hàng nhanh chóng, đảm bảo an toàn, tránh được các trường hợp giả mạo; đồng thời phòng ngừa rủi ro cho chính giao dịch của người dân.

Theo các chuyên gia ngân hàng, trải nghiệm dịch vụ ngân hàng không tiền mặt là 1 trong 5 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong hạng mục tài chính. Xu hướng mới của khách hàng là sử dụng dịch vụ ngân hàng trên đa nền tảng, không nhất thiết phải trên nền tảng của ngân hàng.

Ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban Điều hành MB đã chia sẻ về “Phát triển dịch vụ ngân hàng trên nền tảng đối tác Banking as a service (BAAS)”. Dịch vụ đa nền tảng cho phép bên thứ 3 kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API (Giao diện lập trình ứng dụng) để cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng đến khách hàng trên nền tảng của đối tác. Theo đó, khách hàng cá nhân có thể thanh toán hóa đơn mua trên các sàn thương mại điện tử mà không cần đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng.

“Tương tự, các doanh nghiệp có thể quản lý các giao dịch thu, chi ngay trên phần mềm của doanh nghiệp thay vì phải đến ngân hàng. Dịch vụ BAAS MB cho phép doanh nghiệp quản trị trực quan với các thông tin giao dịch chi tiết theo thời gian biến động thực tế giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm thời gian, chi phí”, thành viên Ban Điều hành MB cho biết.

Chuyển đổi số cơ sở dữ liệu là yếu tố then chốt để chuyển đổi số

Theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu rõ ràng, cho phép khách hàng trải nghiệm dịch vụ trên kênh số, có doanh thu từ kênh số tăng cao, đặc biệt dịch vụ thanh toán số 100%; giải ngân cho vay trên kênh số; có sự tham gia các công ty tài chính; nhờ có sự kết nối liền mạch, người dân có thể tra cứu trên điện thoại thông minh tiền điện, tiền nước, thanh toán hóa đơn.

“Năm 2023, ứng dụng dữ liệu Quốc gia về dân cư, ngành ngân hàng không ngừng thúc đẩy chuyển đổi số, sự phối hợp của Bộ Công an với NHNN bằng các nhiệm vụ trọng tâm đã làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng (TCTD), trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. Đồng thời, phối hợp triển khai xác minh những tài khoản nghi ngờ giả mạo phục vụ công tác quản lý nhà nước, phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm, xây dựng lòng tin của người dân”, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Đến nay, đã có 48 TCTD ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp trên ứng dụng điện thoại di động; 58 TCTD xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp tại quầy giao dịch; 14 TCTD đang ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào các nghiệp vụ như: Mở tài khoản, thanh toán, xác định giao dịch, đối chiếu xác thực thông tin.

“Bộ Công an luôn sẵn sàng cùng ngành ngân hàng tạo nhiều tiện ích phục vụ người dân. Về công tác bảo mật, Bộ sẽ cùng các đơn vị nghiệp vụ của NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp dịch vụ vừa đảm bảo an toàn, tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình kết nối”, đại diện Bộ Công an khẳng định.

Trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận: Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022; tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

TIN LIÊN QUAN