Xã nghèo ven đô Hà Nội bất ngờ đổi đời nhờ 'bàn tay Phật', đâu đâu cũng gặp đại gia, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng

Người dân nơi đây tin rằng chính Đức Phật đã đem “trái tâm linh” đến giúp họ làm giàu.

Bao đời, người dân xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) vẫn sống với nghề trồng lúa, gắn với vất vả và khốn khó. Thế rồi khoảng 20 trở lại đây, họ bỗng dưng đổi đời, nhà nhà mua xe, sắm sửa vật dụng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Họ giàu lên nhờ "bàn tay Phật"…

Đắc Sở là vựa cung cấp Phật thủ lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Báo Tiền Phong

Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi hình dáng của quả Phật thủ - loại quả được trồng phổ biến ở Đắc Sở chia nhánh giống như bàn tay của Đức Phật. Quả có hình dáng lạ, được trưng bày trên ban thờ ngày Tết với mong muốn đem lại cho gia chủ tài lộc, may mắn. Phật thủ một năm có hai vụ chính là Rằm tháng 7 Âm lịch và Tết Nguyên đán. Để phục vụ nhu cầu của thị trường, đặc biệt trong hai dịp này, người nông dân phải chăm sóc, chuẩn bị cho cây Phật thủ hàng tháng trời.

Theo lời người dân xã Đắc Sở, Phật thủ xưa kia được trồng ở vùng núi, thân cây có gai nên người dân trồng làm bờ rào để ngăn trâu. Đầu những năm 2000, chúng được người dân Đắc Sở đem về trồng. Dần dần người dân ưa chuộng và trở thành lễ vật không thể thiếu trên ban thờ dịp lễ Tết.

Quả Phật thủ được ưa chuộng vào dịp lễ Tết

Đắc Sở có quỹ đất không nhiều, mỗi nhân khẩu chỉ được chia chưa đầy 300m2 đất trồng màu nên người dân Đắc Sở đi thuê cả đất các xã lân cận chỉ để trồng cây Phật thủ.

Được biết, loại cây này có thời gian sinh trưởng dài, muốn thu hoạch được quả, nhà vườn phải bỏ ra 3-4 năm cho giai đoạn trồng cây con, chăm cây lớn, để cây ra hoa và kết quả. Cây Phật thủ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng cần vốn đầu tư lớn. Đây là loài cây cực kỳ khó tính, vì vậy đòi hỏi phải được chăm sóc cẩn thận, các chủ vườn cũng phải tính toán, theo dõi sát sao thời tiết.

Mặc dù thu hoạch và bán rải rác vào các dịp Rằm, mồng Một hàng tháng nhưng “mùa gặt hái” của người trồng Phật thủ tập trung vào dịp cuối năm để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Những năm qua, Phật thủ từ Đắc Sở đã có mặt khắp các vùng miền đất nước

Không chỉ quảng bá trên mạng internet, tham gia hội chợ ở Hà Nội, năm 2013, những nông dân Đắc Sở còn lặn lội vào tận Đồng Nai, TP. HCM để chào hàng và ngay lập tức chinh phục những “thượng đế” đất phương Nam. Chính vì vậy, sản phẩm của Đắc Sở hầu hết được bán buôn, họ chia địa bàn, chuyển quả đi khắp cả nước. Cách tết Âm lịch vài ba tháng, các thương lái đã tìm về Đắc Sở mua cả vườn quả.

Tùy từng loại mà giá cả Phật thủ dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, tùy vào trọng lượng, độ đẹp của quả. Thậm chí nhiều quả có giá lên đến cả hàng triệu đồng vì đẹp - độc - lạ vẫn được các thương lái và khách hàng đặt mua từ sớm.

Nhiều nhà bày Phật thủ lên ban thờ quanh năm để mùi thơm ngát của quả quyện với mùi hương trầm. Khi quả khô, người ta đem ngâm với rượu hoặc mật ong để chữa cảm hàn, đau bụng, lại có người xẻ từng miếng bỏ vào chậu nước gội đầu cho thơm, mượt tóc.

Phật thủ Đắc Sở đã giúp cho các nông dân ở đây đổi đời, dịp Tết, nhiều hộ đã có doanh thu vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, có hộ lên đến bạc tỷ mỗi năm. Ảnh: Vietnamplus

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Hà Nội cùng UBND huyện Hoài Đức đã có nhiều hỗ trợ giúp nông dân ở đây xây dựng thương hiệu Phật thủ. Đến nay, địa phương này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký Bảo hộ nhãn hiệu tập thể Phật thủ Đắc Sở năm 2016.

Theo đó, Hội Sản xuất và Kinh doanh Phật thủ xã Đắc Sở được sử dụng tên và địa danh “Đắc Sở” kèm theo bản đồ khu vực địa lý để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Phật thủ Đắc Sở”. Đây là niềm tự hào của nhân dân xã Đắc Sở và Yên Sở nói riêng và của thủ đô Hà Nội nói chung.

Người dân Đắc Sở cũng tin rằng chính Đức Phật đã đem “trái tâm linh” đến giúp người dân nơi đây làm giàu. Nhờ có quả Phật thủ mà Đắc Sở đã có hàng chục tỷ phú và rất nhiều triệu phú. Họ là những triệu phú nông dân, sung túc hơn, giàu có hơn từ chính mảnh ruộng quê mình.