VN-Index chính thức chinh phục mốc 1.000 điểm

(CL&CS) - Sau nhiều thử thách và rung lắc, chỉ số VN-Index chính thức vượt mốc tâm lý quan trọng 1.000 điểm nhờ thanh khoản trên 10.000 tỷ đồng.

Hôm qua, VN-Index suýt chinh phục thành công mốc 1.000 điểm. Chỉ số tuột mốc tâm lý quan trọng ngay trước giờ đóng cửa. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn đưa ra nhiều dự báo lạc quan cho thị trường trong những phiên cuối năm 2020.

Công ty chứng khoán MBS cho rằng dòng tiền vẫn được giữ ở mức cao và chỉ số chủ yếu giằng co ở ngưỡng 1.000 điểm trong phần lớn thời gian giao dịch. Với bối cảnh thế giới đang thuận lợi, thị trường kết thúc phiên này trên 1.000 điểm sẽ là kịch bản được giới đầu tư mong đợi, tuy vậy chỉ số VNIndex tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư.

Thanh khoản hiện vẫn được giữ ở mức cao kỷ lục mới là điều đáng quan tâm, vì chỉ số hoàn toàn có cơ hội để vượt ngưỡng tâm lý này khi bối cảnh trong và ngoài nước tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường. Trong trường hợp này, dòng tiền chốt lời ở 3 phiên vừa qua sẽ quay trở lại và là lực cầu tiềm năng để thị trường vượt ngưỡng tâm lý thuyết phục.

VN-Index chính thức vượt mốc 1.000 điểm nhờ cổ phiếu ngân hàng.

Sự lạc quan của MBS không phải là vô cớ. Trong phiên giao dịch 26/11, VN-Index tiếp tục giằng co mạnh quanh mốc 1.000 điểm. Chỉ số đôi lúc đảo chiều, chìm trong sắc đỏ. Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,7 điểm, tương đương 0,07% xuống 999,24 điểm. Thế nhưng, dòng tiền rất mạnh ồ ạt vào thị trường giúp VN-Index chính thức chinh phục thành công mốc 1.000 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch 26/11, VN-Index tăng 6,03 điểm, tương đương 0,6% lên 1.005,97 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức rất cao, trên 10.000 tỷ đồng. Có tới gần 494 triệu cổ phiếu, tương đương 10.294 tỷ đồng được giao dịch thành công.

Các cổ phiếu nhỏ đóng góp nhiều vào thành công của VN-Index. Cổ phiếu lớn có tốc độ tăng chậm hơn cổ phiếu nhỏ. Chốt phiên, VN30-Index chỉ tăng 3,53 điểm, tương đương 0,37% lên 964,16 điểm. Có 156 triệu cổ phiếu, tương đương 4.659 tỷ đồng được trao tay.

Trong nhóm blue-chips, cổ phiếu nhỏ đi lên mạnh mẽ nhất. SAB tăng 2.800 đồng/CP lên 195.000 đồng/CP. MSN tăng 1.400 đồng/CP lên 83.700 đồng/CP. MWG tăng 800 đồng/CP lên 112.800 đồng/CP.

Cổ phiếu ngân hàng dù hạ nhiệt nhưng vẫn đi lên mạnh mẽ. BID tăng 1.300 đồng/CP lên 42.600 đồng/CP. CTG tăng 1.050 đồng/CP lên 34.050 đồng/CP. VCB tăng 500 đồng/CP lên 94.000 đồng/CP. VPB tăng 500 đồng/CP lên 27.200 đồng/CP.

Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường không phải blue-chips mà là CVT của Công ty Cổ phần CMC. Hôm nay, CVT tăng trần, tăng 3.150 đồng/CP lên 48.150 đồng/CP. CVT đã có phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp. Trong tháng 11, CVT đã tăng 22.550 đồng/CP, tương đương 88%.

Trên sàn Hà Nội, các chỉ số tăng chậm hơn một chút nhưng vẫn duy trì thanh khoản cao. Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,31 điểm, tương đương 0,21% lên 148,4 điểm. HNX30-Index tăng 0,45 điểm, tương đương 0,17% lên 269,12 điểm. UpCOM-Index là chỉ số duy nhất chìm trong sắc đỏ. UpCOM-Index giảm 0,11 điểm, tương đương 0,16% xuống 66,5 điểm.

Vậy câu hỏi đặt ra sau khi VN-Index chinh phục thành công mốc 1.000 điểm thì điều gì sẽ diễn ra. 

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư bắt đầu sàng lọc và tích lũy những cổ phiếu/nhóm ngành có điểm rơi lợi nhuận trong qúy 4/2020 cũng như có triển vọng tích cực hơn trong năm 2021.

Trong ngắn hạn, VDSC đánh giá cơ hội vẫn hiện hữu, nhưng sẽ bị giới hạn ở một nhóm nhỏ cổ phiếu có “câu chuyện” riêng. Cân nhắc giữa các yếu tố trên, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ, ngành bất động sản, ngân hàng có thể dẫn dắt sự lạc quan của thị trường trong tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Công ty chứng khoán SSI nhận định năm 2021 sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư khi kinh tế hồi phục trong điều kiện lãi suất dự kiến duy trì thấp, đầu tư công tăng mạnh thúc đẩy nhiều ngành nghề.

TIN LIÊN QUAN