"Loại hạt tỷ đô" của Việt Nam được săn lùng
Gạo là một trong những loại ngũ cốc được sản xuất nhiều nhất trên thế giới, bên cạnh ngô và lúa mì. Đây cũng là loại lương thực chính của gần một nửa dân số thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 7 đạt hơn 751.000 tấn, trị giá hơn 451 triệu USD, tăng 46,3% về lượng và tăng 39,7% về kim ngạch.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, gạo Việt đã thu về 3,3 tỷ USD với hơn 5,3 triệu tấn, tăng 27,7% về lượng và tăng 27,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm nay tăng cao vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong hơn 6 tháng qua đạt mức cao kỷ lục: 636 USD/tấn, tăng 18% so với mức giá bình quân 538 USD/tấn của 6 tháng đầu năm 2023.
Trong các thị trường, Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhất sang Philippines với 2,3 triệu tấn, tương đương hơn 1,4 tỷ USD; Indonesia với hơn 778.000 tấn, tương đương hơn 481 triệu USD; Malaysia với hơn 529.000 tấn, đạt kim ngạch hơn 314 triệu USD...
Ngoài 3 thị trường chủ đạo này, một quốc gia đang tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam với mức tăng trưởng 4 chữ số liên tục kể từ đầu năm, đó là Ukraine. Trong 7 tháng đầu năm, nước ta đã xuất sang quốc gia này 10.656 tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 6,8 triệu USD, tăng 3.951% về lượng và tăng 3.420% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường gạo Việt liên tục đón tin vui
Gạo Việt Nam được đánh giá là có chất lượng hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, gạo ST25 đã liên tiếp 2 lần được vinh danh là "Gạo ngon nhất thế giới". Trong các tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao nhất thế giới, vượt qua cả Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.
Thị trường gạo Việt đã bất ngờ chứng kiến cơn sốt chưa từng có kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào giữa năm 2023, tạo ra một cuộc đua tìm kiếm nguồn cung thay thế, đặc biệt là từ các quốc gia châu Á. Kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đã phá nhiều kỷ lục trong 1 năm qua, đặc biệt là kỷ lục về giá vào cuối năm 2023.
Niên vụ 2023-2024, Ấn Độ vẫn giữ vị trí số 1 trong các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (16,5 triệu tấn). Quốc gia có sản lượng gạo xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới và lớn nhất Đông Nam Á là Thái Lan (8,2 triệu tấn). Việt Nam là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới (7,6 triệu tấn).
Với nền tảng vững chắc là một đất nước phát triển từ nền văn minh lúa nước, gạo vừa là nguồn lương thực chính vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Gạo chính là sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, do đó, không khó để nước ta trở thành quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á có lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Do nhu cầu của thị trường thế giới vẫn ở mức cao, các thị trường vẫn đang tăng nhu cầu thu mua để bù đắp sự thiếu hụt, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ vẫn ổn định. Theo các chuyên gia, giá gạo Việt sẽ khó giảm sâu. Kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta năm nay được kỳ vọng sẽ đạt 5 tỷ USD.
Để phát triển thị trường gạo ổn định trước những thách thức về biến đổi khí hậu, xu hướng tiêu dùng thay đổi trên thế giới, sự suy giảm của nhiều nguồn tài nguyên... mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng đã họp bàn về ngành hàng này.
Cả hai Bộ đều thống nhất với đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo Quốc gia, hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa.
Khi được thành lập, cùng với việc khắc phục các hạn chế của ngành hàng lúa gạo hiện nay, Hội đồng Lúa gạo Quốc gia sẽ xử lý nhanh chóng các vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại ngành lúa gạo.