Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế
Theo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ phát triển 5 đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế, trở thành các trung tâm kinh tế, tài chính, và thương mại có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc xây dựng các đô thị gắn liền với các hành lang kinh tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và hiệu quả.
Đặc biệt, các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được phát triển thành những đô thị năng động và sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị khu vực Đông Nam Á và châu Á. Quy hoạch sẽ tiếp tục chú trọng phát triển đô thị lớn gắn với giao thông công cộng (TOD), khai thác không gian ngầm, và phát triển các đô thị vệ tinh để giảm tải cho các đô thị trung tâm.
Nâng cao chất lượng đô thị hóa
Hệ thống đô thị Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình mạng lưới, với các đô thị được phân bố hợp lý theo cấp bậc và loại hình. Mạng lưới đô thị quốc gia sẽ bao gồm các vùng đô thị, từ các đô thị trung tâm cấp quốc gia đến cấp tỉnh, huyện và các cụm xã nông thôn. Các đô thị sẽ được kết nối theo chuỗi, dải và chùm, dọc theo hai hành lang kinh tế quốc gia, như chiến lược biển, đường Hồ Chí Minh, và các hành lang biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Việt Nam sẽ có bốn vùng đô thị chính: Vùng đô thị Hà Nội, Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng đô thị Đà Nẵng và Vùng đô thị Cần Thơ. Hệ thống đô thị trung tâm quốc gia bao gồm các thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại đặc biệt và loại 1, với các đô thị loại 1, 2, và 3 đóng vai trò trung tâm tại các vùng.
Đến năm 2050, hệ thống đô thị sẽ được liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc. Các đô thị sẽ có vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao tính cạnh tranh trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, có vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.
Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam đã có 902 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại 1, 36 đô thị loại 2, 45 đô thị loại 3, 94 đô thị loại 4, và 703 đô thị loại 5, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%.
Theo Hiệp hội các đô thị Việt Nam, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hệ thống đô thị trên cả nước ngày càng phát triển về cả số lượng và chất lượng, trở thành hạt nhân tăng trưởng và động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của từng địa phương, vùng miền và cả nước.
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ có 5 đô thị trực thuộc Trung ương, bao gồm Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến trở thành đô thị loại đặc biệt vào năm 2030), Hải Phòng, Cần Thơ, và Đà Nẵng (dự kiến trở thành đô thị loại I vào năm 2030).
Ngoài ra, có 8 tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, và Bình Dương (dự kiến trở thành đô thị loại I vào năm 2030).
Quy hoạch cũng đã ban hành danh mục 42 đô thị loại I, phân bố theo các vùng như sau: Vùng đồng bằng sông Hồng có 11 đô thị, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 5 đô thị, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 7 đô thị, Vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, Vùng Đông Nam Bộ có 5 đô thị, và Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 11 đô thị.
Ngoài ra, cả nước còn có 50 đô thị loại II, phân bổ theo các vùng như sau: Vùng đồng bằng sông Hồng có 10 đô thị, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 11 đô thị, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 11 đô thị, Vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, Vùng Đông Nam Bộ có 8 đô thị, và Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 7 đô thị.
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam