Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 9,54 tỷ USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn so với cùng kỳ năm trước.
Có 592 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 6,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ.
Có 1.420 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,9% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 57,7% so với cùng kỳ.
Về vốn thực hiện, tính tới ngày 20/6, vốn giải ngân đạt khoảng 10,84 tỷ USD. Đây cũng là số vốn giải ngân cao kỷ lục, ghi nhận trong hơn 5 năm qua.
Trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất với tổng vốn đầu tư đạt gần 10,69 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,47 tỷ USD, chiếm gần 16,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các ngành: bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ....
Về đối tác đầu tư, Singapore là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 với tổng vốn đầu tư gần 5,58 tỷ USD, chiếm gần 36,7% tổng vốn đầu tư, tăng 86% so cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 1,73 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hongkong (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Qua thống kê cho thấy, các đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống đến từ châu Á. Chỉ riêng 5 nước dẫn đầu (Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc) đã chiếm tới 73,7% số dự án đầu tư mới và 68,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.