Việt Nam nằm trong 38 thị trường đang phát triển đã thực hiện những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu, theo đánh giá của báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững 2019 của Mạng lưới Ngân hàng Bền vững do IFC (Công ty Tài chính Quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới – WB) xúc tiến thành lập. Những cải cách này yêu cầu các ngân hàng thực hiện đánh giá, quản lý và báo cáo về các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động cho vay, đồng thời triển khai các cơ chế khuyến khích các ngân hàng tài trợ các dự án xanh.
Trong số 38 quốc gia thành viên SBN, 22 quốc gia đã ban hành chính sách quốc gia và các nguyên tắc tự nguyện về tài chính bền vững, trong đó có 7 quốc gia vừa ban hành trong năm 2019. Báo cáo cũng ghi nhận nỗ lực của 14 quốc gia trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu xanh. Các số liệu được công bố trong báo cáo cho thấy ngày càng nhiều sáng kiến được các tổ chức tài chính ngân hàng theo đuổi để phát triển danh mục tín dụng xanh của mình.
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành khung chiến lược phát triển ngân hàng xanh và kế hoạch hành động của ngành ngân hàng. |
Bà Georgina Baker, Phó Chủ tịch IFC cho biết: “Các quốc gia thành viên SBN đã cho thấy việc chuyển đổi các thị trường tài chính hướng đến bền vững là hoàn toàn khả thi”.
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành khung chiến lược phát triển ngân hàng xanh và kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. Để đảm bảo các ngân hàng thực hiện đánh giá các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình thẩm định các khoản vay, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra hai mục tiêu cụ thể tới năm 2025 – toàn bộ các tổ chức tín dụng sẽ thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường–xã hội và lồng ghép đánh giá này vào đánh giá rủi ro tín dụng. Ngoài ra, có ít nhất từ 10 đến 12 ngân hàng sẽ thành lập bộ phận chuyên trách đánh giá rủi ro môi trường–xã hội và tài chính xanh.
Một khảo sát Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện đầu năm 2019 cho thấy 76% các ngân hàng thương mại tham gia khảo sát đã ban hành chiến lược tài chính bền vững, 17 ngân hàng có hệ thống quản lý rủi ro môi trường–xã hội tuân thủ các quy định hiện hành và 25 ngân hàng xác nhận đã lồng ghép các vấn đề môi trường–xã hội trong thẩm định các khoản tài trợ doanh nghiệp và tài trợ dự án.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các Ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có nhiều tiến bộ về tài chính bền vững là một đánh giá rất khích lệ. Báo cáo hàng năm của SBN cung cấp một bức tranh tương đối toàn diện về các sáng kiến tài chính bền vững ở các thị trường đang phát triển.
“Các ngân hàng Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao theo đuổi mục tiêu tài chính bền vững – đây được coi là nhiệm vụ quan trọng để nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới”, ông Hùng nói.
Bên cạnh việc cung cấp những nguồn thông tin thực tiễn cho các quốc gia thực hiện các cải cách tài chính bền vững, báo cáo của SBN cũng hỗ trợ việc trao đổi tri thức giữa các thành viên – một trong những mục tiêu quan trọng của mạng lưới.
“Báo cáo này ghi nhận những kinh nghiệm của các quốc gia thành viên SBN trong việc phát triển tài chính bền vững,” ông Imansyah, Ủy viên Phó Bộ phận Nghiên cứu và Hợp tác Quốc tế, Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) và là đồng chủ tịch Nhóm Đánh giá của SBN nhận định: “Chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thực tế giữa các thành viên luôn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy các cải cách tài chính, đặc biệt là đối với các quốc gia đang trong quá trình triển khai những nỗ lực này”.
Được thành lập từ năm 2012, các thành viên của SBN hiện đang nắm giữ mức tài sản ngân hàng trị giá 43 ngàn tỉ đô la Mỹ, chiếm 86% tổng tài sản ngân hàng của toàn nhóm thị trường đang phát triển. Báo cáo này dựa trên cách tiếp cận tính toán dựa trên kết quả do các thành viên phát triển khi họ đã đánh giá sự chuyển hóa của các cải cách chính sách tài chính bền vững thành những triển khai thực tế và các thay đổi hành vi của toàn khu vực ngân hàng.
Nguyễn Ngọc