Chùa Xiêm Cán là một ngôi chùa Khmer có tuổi đời gần 140 năm, chùa đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vinh danh là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực vào tháng 11/2022. Qua hơn một thế kỷ tồn tại, ngôi chùa vẫn giữ vẹn nguyên trong mình kiến trúc Khmer độc đáo và giá trị lịch sử văn hóa quan trọng.
Bạc Liêu hiện là tỉnh có nhiều điểm du lịch tiêu biểu nhất khu vực ĐBSCL, với 10 trong tổng số 43 điểm, trong đó có 9 điểm nằm ngay tại TP Bạc Liêu. Chùa hay còn được gọi với tên Khmer "Wotkomphisakoprekchru", nằm tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 12km.
Ngôi chùa được khởi công vào tháng 3/1887, nhờ sự đóng góp lớn từ một cặp vợ chồng khá giả trong vùng, những người có tín ngưỡng sâu sắc với Phật giáo. Ngoài ra, còn có hơn 30 hộ gia đình khác cũng tham gia đóng góp công sức, khai phá cây cối và đất đai để xây dựng chùa.
Nằm trên diện tích rộng gần 50.000m2 (5ha), chùa Xiêm Cán mang đậm nét kiến trúc Angkor Khmer truyền thống. Những chi tiết tinh xảo trên mái vòm, các bức tường, hàng cột, cầu thang, cùng với phù điêu, hoa văn và những đường nét chạm khắc uốn lượn đều thể hiện rõ nét văn hóa dân tộc Khmer.
Chùa được bao quanh bởi một hàng rào vững chắc, trang trí bằng nhiều phù điêu đặc sắc như bánh xe luân hồi. Không chỉ là một công trình kiến trúc tôn giáo, chùa Xiêm Cán còn là nơi cộng đồng người Khmer tụ họp để học chữ, học nghề và tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống.
Hằng năm, chùa tổ chức nhiều lễ hội lớn thu hút đông đảo đồng bào Khmer từ nhiều nơi về tham dự.
Ban đầu, chùa có tên là Komp Hisako, mang ý nghĩa "sự uyên bác, trí tuệ và sâu xa của Phật pháp" theo tiếng Khmer. Tuy nhiên, qua thời gian, tên chùa được đổi thành Xiêm Cán, bắt nguồn từ tiếng Tiều của người Triều Châu ở Bạc Liêu, với nghĩa là "Giáp nước". Theo đại diện Ban trị sự chùa, tên gọi này xuất phát từ địa hình khi xưa của ngôi chùa nằm cạnh bãi bồi ven biển, nhưng do phù sa bồi đắp nên hiện tại, chùa cách biển khoảng 5km.