Sáng ngày 19/4/2022, tại Hà Nội, Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam (VINASTAQ) phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa) tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử”.
Tham dự hội thảo, về phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa. Về phía Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam có ông Trần Văn Học, Phó chủ tịch Hội, đại diện Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia và người tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Trần Văn Học, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam cho biết, theo quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa phải ghi nhãn cho các hàng hóa này trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Theo đó, nhãn hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu bắt buộc phải thể hiện các nội dung cụ thể trên nhãn vật lý gắn trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm theo quy định. Tuy nhiên, việc sử dụng nhãn vật lý gắn trên sản phẩm, nhất là những sản phẩm nhỏ khó có thể đáp ứng được yêu cầu ghi cụ thể hơn các thông tin rất cần thiết cho người tiêu dùng như hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo,.v.v... Nhãn vật lý này cũng khó hỗ trợ người tiêu dùng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Trần Văn Học, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam
Những khó khăn trên hạn chế người tiêu dùng trong việc lựa chọn, so sánh sản phẩm khi mua hàng trên thị trường cũng như hạn chế doanh nghiệp có nhu cầu cung cấp bổ sung các thông tin chi tiết hơn về sản phẩm/hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Với nhu cầu về thông tin sản phẩm/hàng hóa ngày càng cao của thị trường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số và internet kết nối vạn vật (IoT), việc áp dụng ghi nhãn theo phương thức điện tử đối với sản phẩm/hàng hóa nói chung đã và đang được các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng và áp dụng.
Ông Trần Văn Học cũng cho biết thêm, trong năm 2021, Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam đã đề xuất kiến nghị việc bổ sung quy định về ghi nhãn bằng phương thức điện tử trong dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung nghị định 43/2017/NĐ-CP nêu trên, cũng như nghiên cứu đề xuất một số nội dung cần xem xét quy định trong dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn theo phương thức điện tử đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét tham khảo.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa cho biết, ghi nhãn bằng phương thức điện tử là thông tin được hiển thị qua phương tiện điện tử kết nối với hàng hóa theo chỉ dẫn cụ thể trên nhãn. Lý do ban hành Thông tư xuất phát từ việc nhiều nội dung trên nhãn hàng hóa không thể truyền tải hết theo phương thức truyền thống, việc sử dụng nhãn điện tử sẽ truyền tải thông tin đầy đủ, tiện lợi hơn.
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa
Theo đó, Thông tư quy định các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất mỗi loại hàng hóa có thể thể hiện bằng phương thức điện tử quy định tại điểm d khoản 1 điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021.
Đối tượng áp dụng của Thông tư là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam, tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hóa có thể hiện nội dung ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử, cơ quan nhà nước và tổ chức cá nhân có liên quan.
Nội dung ghi nhãn điện tử được thể hiện bằng một hoặc nhiều phương thức sau: Thể hiện trên website có chỉ dẫn cụ thể thông tin đường dẫn gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa; Thể hiện trên website, mã quét, mã QR, mã số, mã vạch có gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa.
Vị trí thể hiện ghi nhãn bằng phương thức điện tử phải được gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa, có thể đọc được dễ dàng bằng mắt thường và thiết bị phù hợp. Ngôn ngữ trình bày nội dung ghi nhãn bằng phương thức điện tử thực hiện theo quy định tại điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.
Liên quan đến một số nội dung bắt buộc theo tính chất của một số nhóm hàng hóa được thể hiện bằng phương thức điện tử, dự thảo nêu rõ: “Một số nội dung tại điểm d khoản 1 điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP được lựa chọn thể hiện bằng phương thức điện tử thay cho ghi nhãn gắn trực tiếp trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa, ghi trong tài liệu kèm theo, trừ các nội dung: ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, thông tin cảnh báo thì không được chỉ thể hiện bằng phương thức điện tử.
Toàn cảnh hội thảo "Góp ý dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử”
Các nội dung bắt buộc khác đã thể hiện trực tiếp trên nhãn hàng hóa đúng theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP có thể được thể hiện thêm hình thức ghi nhãn bằng phương thức điện tử. Nội dung thể hiện trực tiếp trên nhãn hàng hóa phải tương ứng với nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử, không được sai lệch nội dung, bản chất của hàng hóa”.
Đa số các ý kiến tại hội thảo đều nhất trí việc bạn hành thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử là cần thiết vì giúp cho người tiêu dùng có thể cập nhật nội dung được thuận tiện, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giúp cho các nhà quản lý minh bạch được thông tin, hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng,…