Vị vua duy nhất của Việt Nam được suy tôn là Phật: Nhiều lần từ chối ngai vàng để xuất gia, được mệnh danh là vị vua anh minh nhất lịch sử phong kiến

Giai đoạn ông cai trị được xem là thời kỳ đất nước hưng thịnh. Sau khi rời ngai vàng, vua xuất gia trở thành thủy tổ Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Trần Nhân Tông (1258-1308), tên thật là Trần Khâm. Ông là con trai trưởng của Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng hậu Trần Thị Thiều. Theo Đại Việt Sử ký Toàn Thư, ngay từ khi sinh ra Trần Khâm đã có tướng mạo rất phi phàm, có màu sắc hoàng kim, nước da vàng sáng rất đẹp nên vua cha và ông nội – Thái thượng hoàng Trần Thái Tông đã gọi ông là Kim Tiên đồng tử.

Vị vua anh minh nhất lịch sử phong kiến

Trần Nhân Tông được truyền ngôi vào tháng 11/1278, khi ông chưa đầy 20 tuổi. Vừa lên ngôi, vị hoàng đế trẻ sớm phải đương đầu với hiểm họa xâm lược từ đế quốc Mông - Nguyên hùng mạnh ở phương Bắc.

Ngay sau khi ông đăng quang, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt cử Lễ bộ Thượng thư Sài Thung sang Đại Việt, lấy cớ Nhân Tông "không xin mệnh mà tự lập" (nghĩa là tự xưng làm vua mà không chịu xin phép "thiên triều" Nguyên) để ép vua Trần sang triều kiến...

Tượng thờ Trần Nhân Tông. Ảnh: Phật Giáo

Đứng trước hiểm họa xâm lược từ Mông Cổ, hoàng đế đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo sự ổn định và đoàn kết trong nước. Cụ thể, tháng 1 Âm lịch năm 1280, ông ra lệnh hợp nhất hệ thống đo lường để thúc đẩy thương mại trên toàn quốc.

Ngoài ra, ông khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất. Nhờ vậy, Đại Việt đã "được mùa to, lúa ruộng ở hương Trà Kiều thuộc Khoái Lộ một giò hai bông" (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư) vào tháng 10 Âm lịch năm 1280. Mùa xuân năm 1284, hoàng đế lại sai vét sông Tô Lịch nhằm biến sông này thành trục giao thông chính của Kinh đô.

Trên phương diện chính trị - xã hội, Trần Nhân Tông cho điều tra và cập nhật dân số, đồng thời giải quyết nhanh các khiếu nại oan sai của người dân.

Về giáo dục, năm 1281, Trần Nhân Tông dựng nhà học ở phủ Thiên Trường (đất phát tích của hoàng triều, nay thuộc Nam Định). Cũng từ đầu đời vua Nhân Tông, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm thơ văn ở Đại Việt.

Chiến thắng đế quốc cường bạo nhất bấy giờ

Không những đương đầu với người Mông Cổ, Trần Nhân Tông đã xây dựng mối quan hệ tích cực với nước Chiêm Thành ở phía Nam. Tháng 12/1282, ông đã gửi 2 vạn quân cùng 500 chiến thuyền sang hỗ trợ người Chiêm chặn đánh cánh quân Nguyên của Toa Đô. Nhưng trong các văn thư gửi cho người Nguyên, Trần Nhân Tông một mực phủ nhận hành động này.

Dưới thời trị vì của mình, vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt 2 lần đánh bại giặc Mông - Nguyên xâm lược vào các năm 1285 và 1287-1288. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử

Ông cũng cùng cha là Trần Thánh Tông mở hội nghị quân sự Bình Than năm 1282, phân công các tướng lĩnh đi đóng giữ những nơi hiểm yếu để chuẩn bị chống đỡ các mũi tiến công của địch. Năm 1284, ông lại cùng cha mở hội nghị Diên Hồng để cùng nhất trí trẻ già một lòng đánh địch. Chưa bao giờ tinh thần đánh giặc ở nước ta phát triển mạnh như dưới thời vua Trần Nhân Tông. Cả nước sôi sục chuẩn bị, quân sĩ quyết không đội trời chung với địch.

Quả nhiên, quân ta đã giành được những chiến thắng oanh liệt. Trong đó, trận Bạch Đằng (9/4/1288) đại thắng đã đè bẹp ý đồ bành trướng của đế quốc Nguyên Mông - đế quốc cường bạo nhất hồi bấy giờ, đã chiến thắng từ Âu sáng Á, song không làm gì xoay chuyển nổi tình thế ở Việt Nam.

Chiến công này là của toàn dân, của những vị nguyên soái, đại tướng tài giỏi như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão… Song công lao đầu tiên thuộc về hai cha con Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Trong cả hai lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, hai ông đã trở thành ngọn cờ đoàn kết toàn dân, lãnh đạo nhân dân Đại Việt vượt qua bao gian khó để giành thắng lợi huy hoàng.

Sau hai cuộc kháng chiến chống Nguyên thắng lợi, vua Trần Nhân Tông đã bắt tay vào việc tái thiết kinh tế, xã hội Đại Việt.

Chính sách trị dân của ông đã giúp Đại Việt dần dần phục hồi sau những năm chiến tranh và đói kém. Năm 1293, khi sứ nhà Nguyên là Lương Tăng và Trần Phu sang Đại Việt đã chứng kiến một Đại Việt phồn vinh với những hình ảnh như "lúa mỗi năm gặt bốn lần, tuy vào mùa đông rét, mạ vẫn phơi phới", hay "thôn xóm đều có chợ, mỗi hai ngày họp một lần, trăm món tạp hóa đều dồi dào" và "thuyền bè nước ngoài đều đến rất đông, buôn bán trên thuyền rất nhộn nhịp".

Công nghiệp và thủ công nghiệp của Đại Việt cũng lớn mạnh tạo điều kiện cho triều đình tu bổ, xây mới toàn bộ những cầu, đường và cung điện đã bị đốt phá trong chiến tranh...

Nhiều lần từ chối làm vua để xuất gia

Trần Nhân Tông là vị vua hướng về Phật pháp. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, khi còn là hoàng tử, Trần Khâm nhiều lần muốn nhường lại ngôi báu cho em trai là Trần Đức Việp để xuất gia nhưng không được vua cha chấp nhận. Có lần, Trần Nhân Tông đến chùa Yên Tử tu, vua Trần Thánh Tông và hoàng hậu phải khuyên ông mới quay về.

Sau 15 năm trị vì, vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con trai là Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông) và lên ngôi Thái thượng hoàng, chuẩn bị con đường xuất gia tu hành.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử

Ông đi tu trở thành thủy tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà và tu hành theo thập nhị đầu đà (mười hai điều khổ hạnh). Ông còn có đạo hiệu là Trúc Lâm đại đầu đà hay Trúc Lâm đại sĩ.

Ông được xem là triết gia lớn của Phật học. Lý thuyết của phái Trúc Lâm do ông khởi xướng là không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn. Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 tại am Ngọa Vân, trên núi Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh).